TGĐ HOSE Lê Hải Trà: Không có thị trường chứng khoán sẽ khó có những doanh nghiệp tỷ USD như hiện nay

07/09/2021 - 16:58
(Bankviet.com) Để duy trì vai trò huy động vốn của thị trường, ông Lê Hải Trà cho rằng cần hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường, quan tâm tới xu thế đầu tư bền vững cũng như phát triển các dịch vụ, sản phẩm mới dựa trên các nền tảng về công nghệ hiện đại.

Những doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD của Việt Nam khó tồn tại nếu không có thị trường chứng khoán

Theo thống kê từ UBCKNN sau 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức vốn hóa thị trường tăng 29,2% tương đương 108,7% GDP.

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán và triển vọng về sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, hàng loạt các doanh nghiệp cũng lên phương án phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh cũng như cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó, động thái của Chính phủ trong việc tổ chức lại những đợt thoái vốn và IPO của các doanh nghiệp nhà nước hứa hẹn sự phát triển bùng nổ và lớn hơn của thị trường.

Tính đến hết tháng 8, Việt Nam có 37 doanh nghiệp vốn hoá tỷ USD, tăng thêm 9 công ty so với hết tháng 6. Đây là minh chứng cho việc thị trường chứng khoán đang phát huy vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Trong Talkshow Phố Tài chính được VTV8 phát sóng mới đây, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho rằng sự gia tăng mang tính chất bùng nổ của tính thanh khoản trong thời gian qua không nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Riêng thanh khoản bình quân của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tăng từ 50 - 70%.

Thống kê vào đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân tại HOSE chỉ xấp xỉ 4.000 tỷ đồng/ phiên. Đến tháng 6/2021, con số này đã vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng, tăng 600% so với thời điểm đầu năm 2020 với nhiều phiên giao dịch tỷ USD kể cả trong nhịp giảm điểm. Đây là mức tăng trưởng rất nhanh trong khoảng thời gian rất ngắn, nói lên mức độ quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường.

Vị lãnh đạo sàn HOSE hoàn toàn đồng tình với quan điểm những doanh nghiệp tỷ USD như hiện nay sẽ khó có thể tồn tại nếu không có thị trường chứng khoán.

"Không có thị trường, giá trị một doanh nghiệp sẽ chỉ nằm trên sổ sách. Với sự xuất hiện của thị trường, giá trị sổ sách đó mới được mang ra trao đổi giữa các nhà đầu tư với nhau. Người ta sẽ định giá với mức doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ tăng trưởng như vậy, doanh nghiệp này sẽ được định giá gấp bao nhiêu lần lợi nhuận hiện nay của công ty."

Ngoài ra, một yếu tố khác góp phần tạo nên những định chế tỷ USD là kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng và khả năng tiếp tục tạo ra lợi nhuận trong tương lai của DN.

Không quá lo ngại về tình trạng pha loãng cổ phiếu

Trên thực tế, sau khi công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp đã gặp tình trạng bán tháo cổ phiếu của công ty do lo ngại tình trạng pha loãng giá, dẫn đến giá cổ phiếu giảm chục phần trăm (%) chỉ trong thời gian ngắn.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, với con số thông kế 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn lên gần 102.600 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trong năm nay, áp lực pha loãng đối với thị trường là rất lớn.

Đối với giới chuyên môn, áp lực pha loãng phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Nếu kinh doanh tốt, có triển vọng về lâu dài thì đây là cơ hội tốt để mua cổ phiếu đối với nhà đầu tư.

Theo ông Trà, không nên quá lo ngại về vấn đề này, do bản chất khẩu vị đầu tư khác nhau sẽ dẫn tới những sự lựa chọn khác nhau.

Một trong những nguyên lý cơ bản của các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu gần như ưu tiên trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để tái đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới duy trì chính sách trên trong một thời gian dài như Microsoft, hay đế chế của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet.

Có những nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các cổ phiếu tăng trưởng, cũng có người coi cổ tức là một phần trong kế hoạch thu nhập hàng năm. Do đó, bản chất của việc pha loãng giá chỉ là lựa chọn đầu tư khác nhau của các nhóm nhà đầu tư.

Ngoài mục tiêu nâng hạng thị trường, cần quan tâm tới xu thế đầu tư bền vững và đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư

Trong 6 tháng qua, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN. Lần đầu tiên chúng ta vượt qua Philippines để vươn lên vị trí thứ 5 về quy mô vốn hóa thị trường, và là quốc gia thứ 4 có tỷ lệ vốn hóa/GDP vượt qua 100%.

Việt Nam nổi bật là thị trường có giá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2023 so với các TTCK trong khu vực. (Nguồn: VNDirect, Bloomberg).

Thống kê trong khu vực ASEAN, có những thị trường có tỷ lệ quy mô vốn hóa/GDP rất cao, đại diện là thị trường Singapore với 195%. Đây hoàn toàn là mục tiêu chúng ta có thể hướng tới.

Để giúp thị trường phát huy hơn nữa vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế trong thời gian tới, ông Trà đã nêu ra ba giải pháp trọng tâm, những yếu tố cơ bản đối với thị trường Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Một trong những mục tiêu trước mắt là việc nâng hạng từ thị trường cận biên vào nhóm các thị trường mới nổi theo các tổ chức quốc tế như MSCI hay FTSE Russel, qua đó hấp thụ thêm các nguồn vốn đầu tư.

Thứ hai, cần quan tâm tới xu thế tất yếu trong lĩnh vực đầu tư trên thế giới. Đó là đầu tư vào những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, các vấn đề môi trường hay yếu tố quản trị công ty. Doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu và tạo ra sự dịch chuyển, để tạo điều kiện thích ứng với những yêu cầu đặt ra thì mới có thể đón và nắm bắt được những nguồn vốn đầu tư trong tương lai.

Nội dung thứ ba nhưng không kém phần quan trọng chính là sự phát triển về các dịch vụ, sản phẩm mới dựa trên các nền tảng về công nghệ hiện đại, nhằm thu hút thêm lượng vốn đầu tư vào thị trường.

Thảo Bùi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán