Thách thức của ngành khách sạn trong bối cảnh du lịch phục hồi

31/07/2024 - 00:04
(Bankviet.com) 6 tháng năm 2024, Việt Nam đón 8,8 triệu lượt khách quốc tế, dù có nhiều tín hiệu tích cực song hoạt động kinh doanh khách sạn chưa quay về mức trước đại dịch.
Ngành khách sạn đang thay đổi để thích nghi Nâng tầm vị thế ngành khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón tiếp 8,8 triệu lượt khách quốc tế, vượt mức cùng kỳ trước đại dịch năm 2019.

Trong số các thị trường khách quốc tế, Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu thị phần và thậm chí còn tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ trước dịch. Khách Trung Quốc vốn là thị trường khách quốc tế lớn nhất trước đây cũng đang dần khôi phục, và quay lại là thị trường gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam trong tháng 5/2024.

Theo ghi nhận, dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn chưa quay về mức trước đại dịch do sự sụt giảm công suất phòng cho thuê. Trong khi đó, giá phòng bình quân đạt xấp xỉ mức trước dịch, phần lớn các điểm đến trong nước.

Đáng chú ý, một số khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội ghi nhận sự cải thiện giá phòng cao hơn thời điểm 2019, nhưng nhìn chung mức tăng trưởng giá phòng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Sự khôi phục chậm từ các thị trường khách truyền thống như Nga, Trung Quốc, cùng với sự tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ tại các điểm đến du lịch biển trong những năm qua là nhân tố chính tác động đến công suất phòng cho thuê.

Thách thức của ngành khách sạn trong bối cảnh du lịch phục hồi
Khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh những tháng đầu năm 2024 (Ảnh: Nguyễn Huế).

Theo thống kê của Savills Hotels, khoảng 45.000 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2020 đến tháng 6/2024, tương đương mức tăng 25% nguồn cung phòng.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels nhận định về tổng quan thị trường Việt Nam: Có thể nói rằng nguồn cầu đã gần như khôi phục, tuy nhiên thị trường nghỉ dưỡng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tình trạng dư thừa nguồn cung tại một số nơi khi nhiều dự án quy mô lớn được đưa vào vận hành; thiếu hụt nguồn cung đa dạng, chất lượng tại TP. Hồ Chí Minh khi so với các điểm đến khác trong khu vực.

Trước đây, nhiều chủ đầu tư vội vàng nắm bắt cơ hội phát triển của ngành du lịch, nhưng lại chưa có sự cân nhắc thấu đáo mô hình, lựa chọn sản phẩm. Nhiều dự án được xây dựng nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng của một số tệp khách lưu trú sẵn có, thay vì chú trọng đem đến các sản phẩm nhằm thu hút nguồn cầu mới. Condotel tại các điểm đến ven biển là ví dụ minh họa cho điều này, và chúng ta có thể thấy được khó khăn mà nhiều dự án condotel gặp phải khi thị trường không thuận lợi, thậm chí một số phải tạm dừng triển khai.

Gần đây, chúng tôi nhận thấy xu hướng hợp tác cùng với các thương hiệu nhà điều hành khách sạn, tái định vị đang diễn ra mạnh mẽ, khi nhiều dự án khách sạn và cả condotel mong muốn thúc đẩy khả năng cạnh tranh và gia tăng thị phần, một số đang trong quá trình chuyển đổi thương hiệu, trong khi đó nhiều khách sạn cũng đang nâng cấp các trải nghiệm ẩm thực”, ông Mauro chia sẻ thêm.

Số lượng dự án mang thương hiệu nhà điều hành khách sạn không ngừng gia tăng tại Việt Nam. Trong 3 năm tới, số lượng dự án khách sạn mang thương hiệu của nhà điều hành quốc tế dự kiến chiếm 40% tổng số lượng dự án trung cao cấp đang hoạt động tại Việt Nam, tăng mạnh so với tỷ trọng 25% vào năm 2013.

Các biến động trên thị trường nghỉ dưỡng những năm gần đây khiến ngành khách sạn gặp nhiều thách thức trong việc duy trì biên lợi nhuận tốt. Quy mô dự án càng lớn càng dễ gặp nhiều khó khăn khi thị trường thay đổi. Do vậy, việc tối ưu hóa hiệu suất vận hành trở nên quan trọng hơn, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng phục vụ cho ngành.

Ông Mauro nhận định: "Trong thời gian tới, thị trường dự kiến sẽ có hai xu hướng nổi bật góp phần định hình ngành khách sạn. Trước tiên là sự hiện diện của các thương hiệu lifestyle, với thế mạnh về dịch vụ F&B (ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống). Ví dụ như Nobu, một thương hiệu khách sạn với dấu ấn ẩm thực Nhật Bản sẽ sớm có mặt tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Mặt khác, chúng tôi cũng quan sát thấy mô hình khách sạn dịch vụ chọn lọc – focused service (mô hình khách sạn chỉ cung cấp dịch vụ ở mức cơ bản) sẽ trở nên phổ biến hơn. Mô hình này đáp ứng nhu cầu gia tăng của nhóm khách ngân sách tầm trung và đã rất phổ biến tại các quốc gia khác, tuy nhiên lại chưa được nhận diện rộng rãi tại Việt Nam”.

Đồng quan điểm, bà Uyên Nguyễn - Trưởng bộ phận Tư vấn tại Savills Hotels cũng nhận định: "Mô hình này sẽ phù hợp với các điểm đến du lịch phát triển với nhiều tiện ích ẩm thực và vui chơi giải trí sẵn có, vì khi đó khách sạn có thể tiết giảm các tiện ích và dịch vụ, qua đó giảm được chi phí đầu tư, giá bán phòng và chi phí vận hành mà vẫn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách”.

Tại Việt Nam, mô hình đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng và một vài địa điểm khác nhưng số lượng dự án còn hạn chế so với tiềm năng, cũng như còn ít hơn các nước khác trong khu vực. Hiện nay, số lượng khách sạn dịch vụ chọn lọc, phân khúc tầm trung do 5 nhà điều hành quốc tế hàng đầu quản lý tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan.

Tỷ lệ khách sạn dịch vụ chọn lọc tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 27% tổng lượng nguồn cung của mô hình này trong khi tỷ lệ này tại Bangkok là 60%. “Với tệp du khách đa dạng và là nơi tập trung nhiều tiện ích ẩm thực và vui chơi giải trí, mô hình này phát triển mạnh mẽ hơn tại TP. Hồ Chí Minh, tương tự như tại Bangkok”, bà Uyên Nguyễn kỳ vọng.

Trong khi đó, bà Jenny Milos - Phó chủ tịch, Quản lý thương hiệu Dịch vụ chọn lọc và Suites, Khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hilton cho rằng, sự bùng nổ của tầng lớp trung cấp tại khu vực châu Á Thái Bình Dương thúc đẩy nhu cầu du lịch quốc tế, trong đó Việt Nam cũng là một điểm đến được du khách ưa chuộng. Điều này góp phần gia tăng nhu cầu lưu trú tại các khách sạn chất lượng với mức giá hợp lý, thúc đẩy sự phát triển của mô hình dịch vụ chọn lọc tại Hilton, trong đó nổi bật là thương hiệu Hilton Garden Inn.

Trong thời gian tới, sự hồi phục của thị trường Trung Quốc, cùng với các chương trình thị thực và kích cầu du lịch được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy tốc độ khôi phục hoạt động du lịch. Thị trường cần đa dạng hơn về sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu của tệp khách du lịch và công vụ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp và cá nhân trong ngành để có thể tạo thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, từ đó gia tăng vị thế của ngành du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương