Thái Nguyên xúc tiến quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh

05/04/2024 - 19:28
(Bankviet.com) Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên diễn ra sáng 5/4 trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024.
Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh: “Bùng nổ” các chương trình kích cầu du lịch nội địa Thái Nguyên: Khai hội Đình - đền – chùa Cầu Muối "Đánh thức" bản Thái bằng du lịch cộng đồng

Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Thái Nguyên là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ; phía Bắc giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam giáp với thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên có diện tích tự nhiên trên 3.500 km², dân số trên 1,3 triệu người; là một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước, với 09 trường đại học, 77 trường cao đẳng, trung học và dạy nghề.

Thái Nguyên xúc tiến quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh
Khách du lịch tham quan trải nghiệm tại hợp tác xã chè Hảo Đạt, tỉnh Thái Nguyên

Với vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50 km; Thái Nguyên có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Đường quốc lộ 3 kết nối Hà Nội- Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; Quốc lộ 1B kết nối Thái Nguyên - Lạng Sơn; Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang. Đặc biệt, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18 để đi các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây là nguồn tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…

Thái Nguyên xúc tiến quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh
Thái Nguyên tổ chức hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch tại TP. Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Ngọc Tuân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên- cho biết: Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, Thái Nguyên là nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có tổng số 22 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như: Múa Tắc xình, Lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay; Lễ cấp sắc, hát Pả dung, Nghệ thuật may, thêu của dân tộc Dao; Rối cạn, Nghi lễ Then, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; Nghệ thuật Khèn của người Mông; tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương…

Với những thế mạnh, đặc trưng riêng, năm 2023, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt trên 2.498 nghìn lượt khách, tăng 14,79% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt trên 20 lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.144,5 tỷ đồng. Tính riêng quý I/2024 số lượt khách du lịch đạt trên 1,1 triệu lượt khách.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuân, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Ông Tuân cũng kỳ vọng, với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát triển lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong - ngoài nước và Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên diễn ra sáng 5/4 trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024 là một trong những hoạt động này.

Tại hội nghị, Thái Nguyên đã giới thiệu một số chương trình tour du lịch kích cầu kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với Thái Nguyên và một số tỉnh, thành lân cận thuộc khu vực Đông Bắc; đồng thời các Hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành cũng trao đổi, đóng góp ý kiến để du lịch Thái Nguyên phát huy thế mạnh, tiềm năng thu hút du khách trong thời gian tới. Cũng tại Hội nghị diễn ra Ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên với Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Thái Nguyên còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.

Từ đó, ông Hà Văn Siêu đề nghị trong thời gian tới Thái Nguyên cần chú trọng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; định hướng quy hoạch phát triển hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm du lịch có sự tương đồng, trùng lặp giữa các địa phương trong vùng.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, đồng thời chú trọng tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội tỉnh, nội vùng nhằm tạo nền tảng cơ sở vật chất dịch vụ du lịch của địa phương ngày càng tốt hơn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác hợp tác, liên kết vùng.

Lấy thước đo hiệu quả của các doanh nghiệp thông qua việc các địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh đưa khách đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận và ngược lại các tỉnh, thành miền trong tăng cường đẩy mạnh đưa khách đến Thái Nguyên và các tỉnh miền Bắc.

Ngoài ra, các địa phương trong nội vùng chủ động liên kết, hợp tác xây dựng, giới thiệu các sản phẩm du lịch, các gói liên kết kích cầu du lịch nội vùng lẫn nhau theo hướng ưu đãi, ưu tiên, ủng hộ sử dụng dịch vụ của nhau cùng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Định kỳ đánh giá kết quả liên kết, hợp tác và cùng đề ra nhiệm vụ mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo giữa các địa phương, các vùng, miền.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương