Tham vấn các tổ chức nước ngoài về thực hiện, giải ngân vốn ODA

19/09/2024 - 23:50
(Bankviet.com) Đại diện của ADB, WB, AFD, KFW đánh giá cao việc sửa đổi Luật Đầu tư công và đã có những góp ý để Việt Nam có thể thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
tham-van.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MPI

Ngày 13/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các đối tác phát triển về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Hội thảo có sự tham dự của nhiều đối tác phát triển như: WB, ADB, IMF, UNICEF, JICA, AFD, WHO, ILO...

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật đầu tư công theo hướng đơn giản hoá thủ tục, bao gồm 29 chính sách mới, tập trung trong 5 nhóm lĩnh vực.

01-1-.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: MPI

Một trong 5 nhóm chính sách được sửa đổi là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, bằng cách thiết kế một chương riêng.

Đánh giá về việc thiết kế chương trình riêng cho nhóm chính sách liên quan đến vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại cho rằng việc này sẽ giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án ODA.

Đồng thời, về việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại cho biết sẽ phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản. Trong đó, đối với các dự án viện trợ không hoàn lại thì phân cấp cho UBND.

Tại hội thảo, đại diện ADB, WB, AFD, KFW đánh giá cao việc sửa đổi Luật Đầu tư công và đã có những góp ý để Việt Nam có thể thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

adb.jpg
Bà Susan Lim, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: MPI

Bà Susan Lim, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, có 3 thay đổi lớn nhất trong dự thảo luật là đơn giản hóa thủ tục; trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương trong phê duyệt và thực hiện các dự án; tách bồi thường, giải phóng mặt bằng... thành dự án độc lập.

"Việt Nam cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn, ví dụ các dự án về thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu," bà Susan Lim gợi ý khi thực hiện và giải ngân vốn các dự án khẩn cấp.

wb.jpg
Bà Kathleen Whimp, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: MPI

Đánh giá cao những nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư công, tuy nhiên, bà Kathleen Whimp, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Luật nên cho phép các đơn vị con của DNNN vay vốn và có quy định ràng về vốn viện trợ, vốn trộn lẫn để các nhà phát triển không gặp khó khi kết hợp 2 loại vốn này.

"Khối lượng đầu tư công sẽ ngày càng lớn. Khi Việt Nam ngày càng phát triển, quy mô GDP cao, sẽ có những "siêu dự án" có thể kéo dài thời gian thực hiện, việc chuẩn bị cũng mất rất nhiều chi phí. Do vậy, cần có điều khoản phê duyệt để chuẩn bị cho dự án lớn như nghiên cứu, phân tích, không chờ dự án làm tổng thể, mà có thể tách phần chuẩn bị thành môt dự án riêng. Để nhanh chóng phê duyệt, có thể đấu thầu khả thi và tiền khả thi trong cùng một lần", đại diện WB gợi ý thêm.

06-1-.jpg
Ông Herve Conan, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Ảnh: MPI

Đi thẳng vào vấn đề, ông Herve Conan, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) khẳng định ủng hộ các sửa đổi như: đơn giản hóa thủ tục; có chương riêng về ODA; tiếp tục phân cấp phân quyền cho các địa phương, UBND có thể đẩy mạnh việc thực hiện.

"Với những dự án quan trọng quốc gia, cần linh hoạt hóa, đơn giản hóa đề xuất dự án và không kéo dài khi thực hiện", đại diện AFD lưu ý.

duc.jpg
Ông Daniel Plankermann, Giám đốc Ngân hàng tái thiết Đức tại Việt Nam. Ảnh: MPI

Khẳng định tác động của các thay đổi trong chính sách là tích cực, giúp khai mở tiềm năng trong quá trình triển khai các dự án ODA, ông Daniel Plankermann, Giám đốc Ngân hàng tái thiết Đức tại Việt Nam cũng lưu ý về các thông tư hướng dẫn và cho rằng cần thay đổi các văn bản pháp luật khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

"Trong quá trình chuyển tiếp, sẽ có những rủi ro do thay đổi chính sách. Làm sao để quá trình chuyển tiếp được đơn giản hóa, các dự án đang chuẩn bị cũng được hưởng lợi là vấn đề cần quan tâm," ông Daniel nói thêm.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ