Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn – TKV) vừa ký Quyết định 1009/QĐ-TCS-VT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01: Cung cấp lốp ô tô đặc chủng phục vụ sản xuất loại lốp 27.00R49. Theo đó, Liên danh gồm Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin (UPCoM: DLT) và Công ty CP Xuất nhập khẩu than – Vinacomin (HNX: CLM) đã được công bố trúng gói thầu này.
Gói thầu có giá 191.675.000.000 đồng, giá trúng thầu của liên danh là 178.090.000.000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng trong 180 ngày. Hàng hóa cung cấp là lốp ô tô đặc chủng phục vụ sản xuất loại lốp 27.00R49 mới, chưa qua sử dụng, sản xuất năm 2022 – 2023 (tổng cộng 500 bộ xuất xứ châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản).
Liên danh trúng thầu không hề xa lạ khi cùng với Than Cao Sơn, đây đều là các công ty thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Ở gói thầu nêu trên, liên danh này là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; trong khi nhà thầu Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Phương Thảo bị loại.
Một phần quyết định vừa công bố |
Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin từng trúng 146 gói thầu ở gần 70 bên mời thầu. Ngoài Công ty CP Than Cao Sơn – TKV, một số chủ đầu tư khác ghi nhận sự tham gia thường xuyên của nhà thầu này gồm: Công ty TNHH MTV 790 (tham gia 25 gói, trúng thầu cả 25 gói); Công Ty Cổ Phần Than Núi Béo – Vinacomin (tham gia 12 gói, trúng 9 gói, 2 gói chưa có kết quả); Công ty CP Than Cọc Sáu – Vinacomin (trúng thầu 8/9 gói tham gia)…
Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mã DLT, vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Năm 2022, DLT đạt doanh thu trên 1.388 tỷ đồng, tăng 82,65% so với 2021. Mặc dù vậy, giá vốn bán hàng tăng từ 902 tỷ đồng lên hơn 1.217 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng gần gấp 4 lần khiến DLT khép lại năm 2022 với khoản lãi vỏn vẹn 4,9 tỷ đồng, giảm 23,8% so với năm 2021.
Quy mô tài sản DLT hiện ở mức 397,4 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 366 tỷ đồng. Một điểm trừ về chất lượng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn (225,9 tỷ đồng) và hàng tồn kho (112,4 tỷ đồng) chiếm phần lớn tài sản ngắn hạn.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của DLT dù có giảm so với năm 2021 nhưng vẫn đang ở mức cao, hơn 338 tỷ đồng, gấp 5,7 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý nợ ngắn hạn chiếm đếm 337 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu than – Vinacomin hiện niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán CLM. Hiện công ty có vốn điều lệ 110 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là công ty mẹ sở hữu hơn 55% vốn.
Doanh thu quý I/2023 của CLM đạt 5.407,9 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ (quý I/2022 đạt 825,1 tỷ đồng); lợi nhuận gộp đạt 145,2 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.
CLM lãi hơn 20,9 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng đến 205% so với cùng kỳ 2022. Lý giải điều này, CLM cho biết do trong quý này công ty tăng sản lượng than nhập khẩu và than pha trộn dẫn đến lợi nhuận tăng.
Trước khi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về kết quả kinh doanh trong quý I/2023, CLM cũng đã có một năm 2022 làm ăn cực kỳ khấm khá. Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CLM đạt hơn 13.227 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 338,83 tỷ đồng, lần lượt gấp gần 5 lần và gần 12 lần so với năm 2021.
Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng tài sản CLM đạt hơn 2.118 tỷ đồng, tăng 121,6% so với thời điểm đầu năm.
Doanh thu ‘thụt lùi’, Than Cao Sơn báo lỗ trong quý II/2023
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Công ty CP Than Cao Sơn – TKV (CST) chỉ đạt mức doanh thu 1.789,7 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm khoảng 580 tỷ đồng so với ba tháng đầu năm.
Trong khi đó, giá vốn bán hàng và các chi phí vẫn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 11,8 tỷ đồng so với quý I/2023, lên mức 59,5 tỷ đồng. Những lý do này kéo lợi nhuận kế toán trước thuế về mức âm 5,2 tỷ đồng, và lỗ ròng 4,3 tỷ đồng trong quý II/2023.
Điều này khá bất ngờ bởi CST luôn báo lãi trong những kỳ báo cáo gần đây. Riêng trong quý I/2023, doanh nghiệp này cũng lãi 87 tỷ đồng, trong khi quý IV/2022 CST lãi đến 168,4 tỷ đồng. Trong cả năm 2022, CST đạt doanh thu kỷ lục với hơn 10.388 tỷ đồng, lãi 358,2 tỷ đồng.
Quy mô tài sản CST tăng thêm hơn 400 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng vừa qua, lên 2.738,5 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng các khoản phải thu ngắn hạn (hiện ở mức 1.443 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, nợ phải trả của CST tăng gần 500 tỷ đồng chỉ sau ba tháng, lên mức 1.843 tỷ đồng.
Quảng Ninh: Liên danh “quen mặt” trúng nhiều gói thầu lớn tại Cty CP than Cao Sơn TBCKVN - Để phục vụ cho quá trình sản xuất, trong vòng 2 năm từ 2017-2018, trên danh nghĩa chủ đầu tư, Cty CP than ... |
Khúc mắc tại gói thầu cung cấp máy tính của Công ty CP Than Cao Sơn TBCKVN - “Việc chủ đầu tư lựa chọn đơn vị có giá cao hơn trúng thầu gây thất thoát tài sản. Không chỉ có vậy, ... |
Liên danh Fecon (FCN) "so găng" Công ty Thanh Tuấn tại gói thầu xây lắp 1.200 tỷ đồng Gói XL-10 tại dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đang chứng kiến cuộc so găng giữa liên danh Fecon ... |
Cao Thái