Khu công nghiệp Hoàng Long do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9/2015, nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng, nên UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải tiến hành thủ tục thu hồi dự án |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới duy nhất có Khu công nghiệp Lễ Môn đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật xây dựng đồng bộ đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Các khu công nghiệp còn lại hiện vẫn còn đầu tư dang dở, chậm tiến độ, chưa phát huy hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư.
Cụ thể đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 9 Khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 04 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn (Khu công nghiệp số 01, số 03, số 9, số 15) và 5 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn (Khu công nghiệp Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng, Hoàng Long).
Tuy nhiên đến nay mới chỉ duy nhất có Khu công nghiệp Lễ Môn có diện tích 87,61ha. Đến thời điểm hiện tại, hạ tầng kỹ thuật tại khu công nghiệp này đã được xây dựng đồng bộ, thu hút 28 dự án đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy 100%, giải quyết việc làm cho 25.462 lao động, nộp ngân sách hằng năm khoảng 308 tỷ đồng.
Điển hình Khu công nghiệp số 01 Khu kinh tế Nghi Sơn do Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư, khu công nghiệp này có diện tích 67ha, tổng vốn đầu tư là 433 tỷ đồng. Đã giải phóng mặt bằng và thuê đất với diện tích 33ha, có 5 dự án đầu tư thứ cấp đã thuê lại đất với diện tích 2,9ha. Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá, tiến độ thực hiện dự án chậm do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhà đầu tư chưa chủ động đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Khu Công nghiệp số 3 Khu kinh tế Nghi Sơn do Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư, khu công nghiệp này có diện tích 247ha, tổng vốn đầu tư 1.102 tỷ đồng. Đã giải phóng mặt bằng được 65/80ha (giai đoạn 1), thuê đất 12,2ha và đang triển khai san lấp trên diện tích đất được thuê. Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá, tiến độ triển khai dự án rất chậm, chủ yếu do chủ đầu tư chưa tập trung nguồn vốn để đầu tư dự án.
Khu công nghiệp số 9 Khu kinh tế Nghi Sơn (khu công nghiệp luyện kim) do Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển hạ tầng Nghi Sơn làm chủ đầu tư, khu công nghiệp này có diện tích 480ha, tổng vốn đầu tư 1000 tỷ đồng. Đã giải phóng mặt bằng được 227,18ha, thuê đất 192,7ha và đầu tư hạ tầng trên diện tích đất thuê, có 02 dự án đầu tư thứ cấp thuê lại đất với diện tích 175,66ha.
Khu công nghiệp số 15 (Khu công nghiệp Đồng Vàng) Khu kinh tế Nghi Sơn do Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư, khu công nghiệp này có diện tích 491,9ha, tổng vốn đầu tư là 2.400 tỷ đồng. Đã hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất trồng lúa, đất trồng rừng sản xuất, đang hoàn thiện về thủ tục về xây dựng, giải phóng mặt bằng theo tiến độ.
Mới duy nhất có Khu công nghiệp Lễ Môn đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật xây dựng đồng bộ đạt tỷ lệ lấp đầy 100% |
Khu công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga có diện tích 200,11ha. Trong đó, Khu công nghiệp Đình Hương có diện tích 28,85ha; Khu công nghiệp Tây Bắc Ga (giai đoạn 1) có diện tích 121,71ha, Khu công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2 có diện tích 49,55ha. Khu công nghiệp Đình Hương không có chủ đầu tư hạ tầng; Khu công nghiệp Tây Bắc Ga (giai đoạn 1) thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng; Khu công nghiệp Tây Bắc Ga (giai đoạn 2) do Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng làm chủ đầu tư. Đến nay, các hạng mục hạ tầng của khu công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, đã thu hút được 262 dự án đầu tư trong nước, 11 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 3.261 tỷ đồng và 31,1 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 8000 lao động, nộp ngân sách khoảng 216 tỷ đồng/năm.
Khu công nghiệp Bỉm Sơn có diện tích 524,29ha. Hạ tầng kỹ thuật do 3 đơn vị đầu tư gồm: Công ty cổ phần đầu tư phát triển VID Thanh Hóa (Bắc Khu A, diện tích 163ha); Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Phục Hưng (Nam Khu A, diện tích 145ha); Công ty cổ phần đầu tư xây dựng HUB4 (Khu B, diện tích 216,29ha). Hiện nay hạ tầng đã được đầu tư khoảng 70%, thu hút 54 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng mức đầu tư 8.675 tỷ đồng và 372,1 triệu USD. Trong đó có 30 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 3.169 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 80 tỷ đồng/năm.
Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng có diện tích 550ha, do liên danh Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này có tổng vốn đầu tư là 3.255 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đã thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, bồi thường giải phóng mặt bằng được khoảng 100ha và đang thực hiện thủ tục thuê đất. Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá, tiến độ triển khai dự án rất chậm, chủ yếu do nhà đầu tư chưa tập trung nguồn vốn để đầu tư dự án.
Khu công nghiệp Hoàng Long có diện tích 286ha do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2015. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư chưa triển khai xây dựng, đã có công văn đề xuất dừng đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp. Hiện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đang làm việc với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thiên Minh