Phiên giao dịch ngày 8/6, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.101,32 điểm, giảm 0,74% so với phiên trước. Thị trường giảm nhẹ song khối lượng giao dịch bứt phá mạnh, đạt gần 1,6 tỷ đơn vị. Giá trị giao dịch theo đó đạt hơn 27,3 nghìn tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản một phiên cao nhất kể từ tháng 12/2022.
Tháng 12/2022, giá trị giao dịch trung bình trên HOSE ở mức 14,26 nghìn tỷ đồng, khối lượng giao dịch ở mức 853 nghìn đơn vị mỗi phiên phiên. Các tháng sau đó, giá trị giao dịch bình quân của thị trường ở quanh mức 8 - 12 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, tại các phiên đầu tháng 6/2023 (tính đến phiên giao dịch ngày 08/06), giá trị giao dịch trung bình sàn HOSE ở mức 17,86 nghìn tỷ và khối lượng giao dịch trung bình ở mức hơn 1 triệu đơn vị mỗi phiên. Nhìn chung thanh khoản thị trường có xu hướng tăng lại từ nửa cuối tháng 4/2023.
Nhìn chung thanh khoản thị trường có xu hướng tăng lại từ nửa cuối tháng 4/2023 |
Dấu hiệu dòng tiền trở lại thị trường còn được thể hiện ở lượng tài khoản mở mới. Cụ thể, số lượng tài khoản mở mới đã hồi phục mạnh trong tháng 5. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 05/2023 đạt hơn 7,16 triệu tài khoản, tăng 104.966 tài khoản so với đầu tháng. Đây là tháng đầu tiên lượng tài khoản mở mới ở trên mức 100 ngàn sau 6 tháng, kể từ tháng 10/2022.
Mới đây quỹ PYN Elite Fund cũng đưa ra nhận định rằng "nhà đầu tư cá nhân bắt đầu chuyển tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán".
Cụ thể, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cho biết: "VN-Index tăng 2,5% trong tháng 5 được thúc đẩy bởi sự phục hồi của toàn ngành. Đáng chú ý, các công ty vốn hóa nhỏ có mức tăng vượt trội hơn công ty vốn hóa lớn, với VN Small Cap Index tăng 9,7%, VN Mid Cap Index tăng 4,3%, trong khi VN30-Index chỉ nhích tăng 1,4%.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào cuối tháng 5, giá trị giao dịch trung bình tháng 5 đạt mức cao nhất trong 5 tháng với 620 triệu USD và tăng lên 800 triệu USD vào cuối tháng.
Đặc biệt, các nhà môi giới nhận xét cho vay ký quỹ đã tăng 30-40% so với đầu năm và khách hàng cá nhân của họ bắt đầu chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng sang thị trường chứng khoán".
Giới phân tích nhìn nhận, lãi suất tiết kiệm bớt hấp dẫn, còn thị trường bất động sản được dự báo khó hồi phục trong ngắn hạn khi những "nút thắt" vẫn còn, trong khi đó thị trường chứng khoán với đặc tính thanh khoản và hạn mức đầu tư đa dạng, cho nên kênh đầu tư này trở thành điểm đến của dòng tiền.
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), lãi suất giảm là yếu tố hỗ trợ quan trọng đẩy nhanh quá trình tạo đáy của thị trường chứng khoán sau chu kỳ đi xuống. Lãi suất giảm sẽ phần nào thu hút lại nhà đầu tư, qua đó cải thiện thanh khoản chung của thị trường.
Dù vậy, chuyên gia BSC chỉ ra, giá trị giao dịch bình quân phiên chỉ tăng từ 2 - 3% qua từng tuần. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước xu hướng thị trường không rõ rệt và hoạt động bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Mặt khác, dù giao dịch sôi động ở một số nhóm nhưng bản chất thị trường chưa thể bứt phá. Yếu tố cơ bản chưa đủ mạnh, chưa đủ yếu tố tích cực nên dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài. Đồng thời, xu hướng đầu tư này làm tăng khối lượng giao dịch nhưng không cải thiện đáng kể giá trị giao dịch.
Tương tự, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm nhưng tiền vào chứng khoán mạnh mẽ là khó xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn.
Cũng theo chuyên gia DSC, việc lãi suất tiết kiệm giảm 1-2%/năm vẫn mang lại mức độ hấp dẫn cao hơn so với chứng khoán. Ở thời điểm hiện tại, mức lợi nhuận cao kỳ vọng của chứng khoán không đủ để bù đắp cho xác suất có thể lỗ khi tham gia. Đa phần nhà đầu tư vẫn ưa thích sự chắc chắn hơn dù lãi suất thấp và gửi tiết kiệm đáp ứng được điều đó.
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư F0 vẫn chưa thực sự "hoàn hồn" sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh, trong khi vĩ mô còn nhiều khó khăn trước mắt.
"Để tiền từ tiết kiệm vào chứng khoán vẫn cần đáp ứng một số điều kiện như lãi suất tiết kiệm phải xuống thấp trong thời gian đủ lâu (kỳ hạn 6 tháng khoảng dưới 5%/năm). Bên cạnh đó, thị trường phải kiếm lời tốt trong khoảng thời gian đủ lâu để tiền cũ tự tin tham gia và tạo sóng FOMO cho tiền mới. Do đó chưa thể kỳ vọng dòng tiền mới tham gia thị trường mạnh mẽ trong giai đoạn này", ông Huy phân tích.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điểm tích cực cho thị trường trong thời gian tới là dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường, trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm trong ba tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết chưa thực sự phục hồi rõ rệt trong quý 2/2023 dựa trên các chỉ báo dẫn dắt của vĩ mô.
“Dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi các chính sách tiền tệ và tài khóa đi vào nền kinh tế, thẩm thấu tốt hơn”, VDSC nhận định.
Cùng chung quan điểm, BSC Research cho rằng, thị trường vẫn cần thêm thời gian để thẩm định các tín hiệu rõ ràng hơn về kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Điểm nhấn thị trường ngày 8/6: Liệu đã phân phối tạo đỉnh? Thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh với thanh khoản lớn trong phiên giao dịch hôm nay. Liệu rằng thị trường đã phân phối ... |
Nhận định chứng khoán ngày 9/6/2023: Xu hướng thị trường phái sinh Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 9/6/2023. Tạp ... |
Khối ngoại giao dịch khá sôi động phiên 8/6, tiếp tục bán mạnh cổ phiếu VNM Phiên giao dịch ngày 8/6, bên cạnh thanh khoản thị trường sôi động, lập kỷ lục trong hơn 1 năm qua, khối ngoại cũng hoạt ... |
Nhật Hải