Sau liên tiếp 3 phiên giao dịch đầy sóng gió, thị trường chứng khoán mới lấy lại được 1 phiên giao dịch trọn vẹn trong sắc xanh và phần nào xua đi tâm lý tiêu cực bao trùm. Những phút cuối phiên thị trường trải qua một nhịp rung lắc nhẹ theo khi nhóm vốn hóa lớn bất ngờ rung lắc. Thành quả tăng điểm vẫn được giữ vũng đến cuối phiên với 218 cổ phiếu tăng điểm so với chỉ 163 mã giảm trên sàn HOSE. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.256,35 điểm, tăng 3,08 điểm (+0,25%).
Thanh khoản thị trường trở thành "Gót chân Achilles" trong phiên khi nỗ lực hồi phục thiếu đi động lực. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ đạt 405 triệu cổ phiếu (- 24,31%), tương đương 10.451 tỷ đồng (-18,52%) về giá trị giao dịch.
Thanh khoản đang trở thành "Gót chân Achilles" của thị trường chứng khoán |
Đáng chú ý, tình trạng giao dịch èo uột đã diễn ra liên tục từ đầu tháng 9 đến nay. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch bình quân từ đầu tháng 9 đến nay chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng/phiên, trong khi trung bình tháng 8 đạt 16.500 tỷ đồng/phiên.
Nhận định về mức thanh khoản thấp kỷ lục, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho rằng chủ yếu do tâm lý của nhà đầu tư vẫn thận trọng sau bão Yagi đổ bộ những ngày qua gây thiệt hại lớn cho khu vực miền Bắc.
Thị trường lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, nếu như Chính phủ mới tăng mục tiêu tăng trưởng GDP lên 7% thì sau cơn bão này, sẽ khó đạt được. Yuanta sẽ điều chỉnh mức dự phóng tăng trưởng GDP ngay khi có đánh giá mức độ thiệt hại từ Chính phủ.
Trong kịch bản khả quan, theo ông Minh, VN-Index tiếp tục lình xình đi ngang ở vùng giá hiện tại.
"Quan trọng là dòng tiền vẫn chờ một câu chuyện có tác động đủ lớn để quay lại. Hiện tại, rủi ro trong nước sau bão là có nhưng sẽ giảm dần. Ở bên ngoài, lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ nhưng số liệu cũng chưa chắc chắn xảy ra, trong khi tuần sau diễn ra sự kiện Fed giảm lãi suất, cùng với kỳ vọng Ủy ban Chứng khoán thông qua quy định Prefunding để kịp thời FTSE review trong tháng 9, khi hai sự kiện này diễn ra dòng tiền sẽ quay lại, thời điểm đó rủi ro bão lũ cũng đã chiết khấu đầy đủ vào giá", ông Minh nhấn mạnh.
Thống kê diễn biến chỉ số VN-Index sau các đợt bão mạnh nhất trong lịch sử từ năm 2000 đến nay của Yuanta cho thấy, VN-Index thường có xu hướng tăng mạnh sau bão.
Sau một tháng bão Noru vào tháng 9/2022, VN-Index giảm mạnh 12,4%, ở thời điểm đó còn có nhiều nguyên nhân hậu Covid, còn lại, các cơn bão khác như Molave vào tháng 10/2020, Vn-Index tăng mạnh 8,6%. Cơn bão Damrey vào tháng 11/2027, 1 tháng sau đó Vn-Index cũng tăng 14,2%. Bão Mirinae và bão Hải Yến những năm 2013 và 2016, Vn-Index cũng tăng nhẹ. Sau 3 tháng bão Molave VN-Index tăng 26,4%; sau ba tháng bão Damrey chỉ số tăng 29,5%.
Một năm sau bão Molave năm 2020, chỉ số tăng 51,1%; sau Damrey chỉ số tăng 8,7%; Sau Mirinae chỉ số tăng 18,1% và sau Sơn Tin 2012 tăng 26,6%.
Chuyên gia của Yuanta khẳng định, trong lịch sử chỉ số VN-Index thường ít chịu tác động tiêu cực từ bão. Riêng đối với năm 2022, chỉ số VN-Index giảm mạnh do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, tác động từ bão lên nền kinh tế là có, nhưng vẫn chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá đầy đủ đến mức độ thiệt hại lên nền kinh tế.
Các ngành chịu nhiều thiệt hại sau bão gồm Du lịch, Bất động sản, Khai thác than, điện, Khu công nghiệp, Dệt may, Công nghiệp sản xuất... Yuanta kỳ vọng việc quyết liệt trong xử lý hậu quả từ bão của Chính phủ sẽ giúp giảm được sự tác động tiêu cực từ bão.
Điểm tích cực theo ông Minh, giá nguyên liệu đang ở mức thấp trở thành động lực cho hồi phục kinh tế. Nếu trước đó, xuất khẩu ghi nhận đơn hàng tăng lên nhưng giá bán không tăng, chi phí vận tải cao nên biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp thấp thì thời gian này, giá dầu giảm chi phí vận tải giảm nên có thể hỗ trợ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó bù lại cho phần thiệt hại của nền kinh tế do cơn bão Yagi gây ra.
"Do đó, GDP tăng trưởng 6,2% là hoàn toàn có thể đạt được", Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta kỳ vọng.
Khối ngoại bán ròng trăm tỷ, 1 cổ phiếu ngân hàng bị "xả" mạnh Thị trường phiên 12/9 tăng hơn 3 điểm trước sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu trụ. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng toàn ... |
Thị trường chứng khoán cuối tháng 9: Cơ hội giải ngân hay rủi ro tiềm ẩn? KBSV Research nhận định, giai đoạn cuối tháng 9 sẽ là thời điểm bức tranh kinh doanh quý 3 dần lộ rõ, thị trường sẽ ... |
Nhận định chứng khoán phiên 13/9: Bài toán thanh khoản liệu có được giải quyết? Thị trường chứng khoán phiên 12/9 lấy lại được đà tăng, tuy nhiên điểm yếu vẫn là việc thanh khoản ở mức rất thấp, điều ... |
Linh Đan