Chứng khoán cuối tuần giảm sâu
Phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến sự giảm mạnh của thị trường chứng khoán khi VN-Index giảm 15,3 điểm, đóng cửa ở mức 1.230,5 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2024, đưa chỉ số về vùng giá thấp nhất trong 1,5 tháng qua và đánh dấu một phiên điều chỉnh lớn.
Thị trường chứng khoán giảm sâu với thanh khoản duy trì ở mức yếu |
Sàn HoSE ghi nhận 338 mã giảm giá, trong khi chỉ có 78 mã tăng giá, phản ánh sự tiêu cực bao trùm thị trường. Ngoại trừ nhóm ngành bảo hiểm, hầu hết các nhóm ngành còn lại đều có chỉ số giảm điểm.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận diễn biến tiêu cực rõ rệt. Các mã lớn như SSI, HCM, VIX, VND, ORS, FTS, MBS, EVF đồng loạt giảm từ 2,2% - 3%. Một số mã khác giảm sâu hơn như VDS, mất 5,3% giá trị.
Không kém phần áp lực, nhóm ngân hàng – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN-Index – cũng ghi nhận sự suy yếu. Các cổ phiếu BID, TCB, VCB, HDB, STB và MBB nằm trong top 10 mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. BID và TCB dẫn đầu với mức giảm đáng kể, làm tăng áp lực lên thị trường chung.
Áp lực bán mạnh trong phiên chiều khiến thanh khoản toàn thị trường tăng lên mức 11.235 tỷ đồng, cao hơn 3.700 tỷ đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình, cho thấy dòng tiền vào thị trường đang ở trạng thái yếu. Bên cạnh đó, lực bán ở nhiều mã cổ phiếu cũng có dấu hiệu cạn kiệt.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp, với tổng giá trị bán ròng 220 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào mã STB. Điều này phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của khối ngoại trước những biến động trên thị trường quốc tế và tình hình tỷ giá.
Chuyên gia nói gì?
Ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân tại Mirae Asset, cho rằng thanh khoản thị trường đã suy yếu trong vài tuần gần đây, không chỉ riêng phiên hôm qua. Ông chỉ ra ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất là tính chu kỳ. Thanh khoản thị trường thường giảm vào thời điểm gần Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó là áp lực tỷ giá, khi đồng USD đang tiệm cận vùng cao, làm gia tăng áp lực bán ròng của khối ngoại.
Cuối cùng là sự phân hóa lợi nhuận. Nhiều nhóm ngành đang chịu áp lực lớn. Ngoài một số ngành có lợi nhuận cao như ngân hàng và viễn thông, các ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, đầu tư công lại gặp nhiều khó khăn. Lực cầu tiêu dùng trong nước cũng suy giảm, dẫn đến tâm lý phòng thủ trên thị trường.
Ông Trí nhận định: "Trong năm 2024, VN-Index tăng 12%, nhưng chỉ một số nhóm ngành như công nghệ thông tin và họ Viettel ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Các nhóm ngành khác vẫn đang dò đáy. Điều này phản ánh bức tranh cổ phiếu phân hóa mạnh do hoạt động kinh doanh chung có nhiều xáo trộn".
Ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn nhóm cổ phiếu phù hợp với khẩu vị rủi ro. Các cổ phiếu ở mặt bằng giá thấp, có sức khỏe tài chính tốt và tỷ lệ nợ vay thấp sẽ là ưu tiên để vượt qua khủng hoảng và phục hồi trong thời gian tới.
Ông Trí dự báo, từ nay đến ngày 20/1/2025 (ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ) và thậm chí sau Tết Nguyên đán, tâm lý thị trường sẽ duy trì trạng thái thận trọng do các ẩn số về tình hình chính trị thế giới. Những quyết sách mới của Tổng thống Mỹ có thể bắt đầu thực thi, tiếp tục ảnh hưởng đến dòng tiền và thanh khoản.
"Thanh khoản thị trường có thể duy trì ở mức thấp ngay cả sau Tết, khi nhà đầu tư chờ đợi sự rõ ràng hơn về các chính sách kinh tế toàn cầu" - Ông Đinh Minh Trí chia sẻ thêm.
Công ty chứng khoán dự báo gì về lãi suất huy động năm 2025? Trong bối cảnh NHNN giảm bơm ròng thanh khoản cuối năm 2024, giữ lãi suất qua đêm ổn định ở mức 3,6%. Bên cạnh đó, ... |
Nhóm bảo hiểm nổi bật giữa sắc đỏ, chứng khoán mất hơn 15 điểm phiên cuối tuần Chứng khoán phiên 10/1 khép lại với VN-Index giảm 1,23% xuống 1.230,48 điểm. Trong đó, nhóm ngân hàng, hóa chất và dịch vụ tài chính ... |
Khối ngoại giữ áp lực bán ròng phiên cuối tuần, một mã nhà băng bị bán mạnh Khối ngoại phiên cuối tuần bán ròng 283 tỷ đồng, tập trung vào STB, SSI, HPG. Xu hướng rút vốn của khối ngoại tiếp tục ... |
Nguyên Nam