|
Thị trường trong tuần từ ngày 4-8/4 đã có diễn biến trái ngược bởi tâm lí nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ vụ việc trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh bị thu hồi do sai phạm về quy định phát hành và một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý. Ngay trong phiên đầu tiên của tuần, chỉ số VN-INDEX tiếp nối tâm lí tích cực từ tuần trước khi tăng 8,3 điểm lên mức 1.524,7. Tuy nhiên, sau khi vụ việc Tân Hoàng Minh xảy ra, nhà đầu tư không tránh khỏi tâm lí tiêu cực khiến lực bán tháo diễn ra mạnh vào 2 ngày cuối tuần, đưa chỉ số VN-INDEX giảm mạnh 2,3% và đóng cửa tại 1.482 điểm. Tâm lí tiêu cực còn lan tỏa ra cả 2 sàn HNX-INDEX và UPCOM-INDEX khi 2 sàn này đều lần lượt giảm 4,9% và 2,9% về mức 432 điểm và 113,8 điểm.
Giá trị giao bình quân trên 3 sàn giảm nhẹ 6,8%, đạt mức 30.874 tỷ đồng/phiên. Với những thông tin tiêu cực, khối ngoại dường như có tâm lí thận trọng hơn khi đảo vị thế từ mua ròng sang bán ròng trên sàn HOSE với giá trị bán ròng đạt 1.007 tỷ đồng. Tương tự, khối ngoại cũng tăng giá trị bán ròng trên sàn HNX-INDEX lên 58 tỷ đồng. Trên sàn UPCOM-INDEX, khối ngoại tuần này đã giảm giá trị mua ròng xuống còn 60 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, đà giảm điểm của thị trường được kích hoạt từ việc nhóm cổ phiểu bất động sản bị bán tháo mạnh bởi thông tin tiêu cực từ sự việc của Tập đoàn Tân Hoàng Mình. Cụ thể, nhóm bất động sản nhà ở chịu ảnh hưởng nặng nề khi hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều giảm như DXG (-14,0%), DIG (-14,2%), NLG (-6,1%), KDH (-5,0%) và VHM (-1,4%). Nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng không tránh khỏi liên lụy khi KBC, SZC, PHR đều giảm lần lượt 9,7%, 8,6%, 2,5%. Ngành bán lẻ sau những ngày tăng điểm đã chịu sự điều chỉnh, MWG giảm 3,9%, DGW giảm 6,7% và PNJ giảm 2,3%. Ngành Ngân hàng tuần này đã chứng kiến sự phân hóa khi có những cổ phiếu giảm như BID (-5,5%), CTG (-3,0%), VIB (-6,1%), song song với một số cổ phiếu tăng nhẹ như ACB (+1,4%), LPB (+1,3%), và VPB (+0,5%). Sau khi hàng loạt quốc gia thông báo xả kho dự trữ dầu, giá dầu giảm dẫn đến phản ứng trái chiều đối với những cổ phiếu ngành này. Ở chiều tăng có PLX (+2,0%) và GAS (+0,5%), ở chiều ngược lại, PVT và PVD đều điều chỉnh lần lượt là giảm 5,9% và 6,6%.
Nhìn nhận thị trường sau kỳ nghỉ lễ, ông Đinh Quang Hinh cho hay: “Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ thời gian gần đây đã có những động thái quyết liệt trong phóng chống tiêu cực, tham nhũng trên thị trường chứng khoán, bất động sản. Về dài hạn, điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, đưa thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong nước. Chúng tôi hoan nghênh các động thái nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Điều này là yếu tố tiên quyết giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán, giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới”.
Những biến động vừa qua có thể khiến tâm lý nhà đầu tư dao động trong ngắn hạn, kích hoạt việc bán ra của một bộ phận nhà đầu tư để phòng ngừa rủi ro, qua đó khiến các chỉ số chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn. Tuy vậy, ông Đinh Quang Hinh vẫn giữ nguyên quan điểm tích cực đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 nhờ (1) nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh và vững chắc hơn trong các quý tới, (2) Chính phủ đẩy mạnh thực hiện gói kích thích kinh tế vừa được ban hành hồi đầu năm, (3) Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trong năm 2022 (dự báo đạt 23% trên sàn HOSE).
“Đà điều chỉnh lần này là cơ hội để nhà đầu tư mua được những cổ phiếu tốt, có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2022-2023 với mức giá hấp dẫn hơn. Chúng tôi kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ tăng mạnh khi chỉ số VN-INDEX về vùng 1.440-1.480 điểm. Nhà đầu tư có thể mua thăm dò tại vùng này với tỷ trọng nhỏ 10-30% danh mục. Các ngành, lĩnh vực được ưu tiên bao gồm ngân hàng, vật liệu xây dựng, xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ, thủy sản” – ông Đinh Quang Hinh nhận định.