SHBFinance với chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ" | |
SHB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên mức 36.645 tỷ đồng |
Cổ phiếu ngược dòng
Từ cuối tháng 4 tới nay, thị trường chứng khoán đang cho thấy sự ấm dần trở lại, với thanh khoản liên tục bùng nổ, đạt mức trung bình hơn 16.000 tỷ đồng/phiên. Sự bùng nổ này đã giúp hầu hết các nhóm ngành hàng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong 3 tháng qua, cả về mặt giá trị và thanh khoản, nổi bật có thể kể đến cổ phiếu ngành Thép, Chứng khoán, Xây dựng,…
Dù vậy, nhóm ngân hàng - vốn được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, lại chưa bắt nhịp được với đà phục hồi chung của thị trường khi giới đầu tư còn có cái nhìn thận trọng với những khó khăn của ngành liên quan đến thị trường trái phiếu, bất động sản và áp lực nợ xấu được vắt qua từ những năm trước.
Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định, giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bất chấp những khó khăn, vẫn có một số cổ phiếu dòng “bank” có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua, nhờ gắn với những câu chuyện riêng. Cổ phiếu SHB của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là một ví dụ.
Thống kê cho thấy, cổ phiếu SHB đã tăng tới gần 33% chỉ trong 3 tháng qua, cao hơn rất nhiều so với diễn biến chung của thị trường (VNIndex tăng 13,7% trong cùng khoảng thời gian trên). Cùng với đó là hoạt động mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn biến giá cổ phiếu SHB trong 3 tháng qua |
Dữ liệu thống kê cho thấy, tính đến hết phiên cuối tuần qua (ngày 21/7), cổ phiếu SHB đã ghi nhận 9 tuần mua ròng liên tiếp của khối ngoại với khối lượng mua ròng trung bình hơn 1,6 triệu đơn vị/tuần.
Cổ phiếu SHB bật tăng tốt trong bối cảnh vừa được HOSE chính thức quyết định đưa vào rổ chỉ số VN30 - nhóm cổ phiếu được xếp hạng cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hôm 17/7.
Đặc biệt, ngày 18/7 đánh dấu cột mốc đáng nhớ với cổ đông ngân hàng khi cổ phiếu SHB chính thức vượt đỉnh 52 tuần. Cùng với diễn biến giá, thanh khoản của SHB cũng tạo hiện tượng, luôn thuộc top dẫn đầu ngành ngân hàng, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này.
Những “câu chuyện” riêng
Trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu phản ánh và bám sát với những thay đổi liên quan đến tình hình hoạt động, triển vọng hoạt động của doanh nghiệp.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu SHB trong thời gian qua cũng gắn với rất nhiều câu chuyện riêng, có khả năng tạo thay đổi căn bản về tình hình và triển vọng hoạt động ngân hàng mà trước hết là những chuyển biến tích cực về kết quả hoạt động của ngân hàng trong năm 2023 và kỳ vọng tiếp đà tăng trưởng trong năm nay.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của SHB cho thấy, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt 6.204 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,2% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các mảng kinh doanh chính như thu nhập lãi thuần (tăng 38% so với cùng kỳ), dịch vụ (tăng 41% so với cùng kỳ), kinh doanh ngoại hối (tăng 132% so với cùng kỳ). Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm về mức 19,5% từ 21,2% trong quý 1/2022, tiếp tục nằm trong top những nhà băng có hiệu quả vận hành cao nhất hệ thống.
Theo đó, kết thúc quý đầu tiên của năm, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.620 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước dù ngân hàng rất tích cực trích lập dự phòng rủi ro (gấp gần 3 lần cùng kỳ 2022).
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi đầu tháng 4, Ban lãnh đạo SHB cũng đặt mục tiêu đầy tự tin cho năm 2023, với 2 kịch bản dựa trên 2 phương án tăng trưởng tín dụng. Phương án 1, trong trường hợp ngân hàng được tăng trưởng tín dụng 10%, lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ tăng 6,15%, đạt 10.285 tỷ đồng.
Phương án 2 được đề ra với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, thì mức lợi nhuận trước thuế cho cả năm đặt ra cao hơn với 10.626 tỷ đồng, tăng trưởng 9,67%.
Có cái nhìn thậm chí còn lạc quan hơn, các chuyên gia tại ABS Research cho rằng, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của SHB có thể đạt đến 11.200 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ, ROE đạt 20%, tiếp tục nằm trong nhóm có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dẫn đầu thị trường.
Một trong những tiền đề quan trọng để ngân hàng đạt được các mục tiêu trên chính là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 36.645 tỷ đồng, tương đương tăng 19,47% trong năm nay. Và đến nay, kế hoạch này đã hoàn thành tới 90% dù mới đi được một nửa chặng đường.
Được biết, cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Văn bản số 4201/UBCK-QLCB chấp thuận cho SHB phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã quyết định ngày 25/7 tới là ngày chốt danh sách để thực hiện trả cổ tức năm 2022.
Trước đó, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn chấp thuận cho SHB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.971 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 18% và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP).
Một diễn biến song song khác, cuối tháng 5 vừa qua, SHB thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFinance) cho đối tác Krungsri) của Thái Lan.
Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance được đánh giá sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB, đồng thời đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể. Theo những chia sẻ trước đó từ Krungsri, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ Baht Thái (156 triệu USD) cho thương vụ.
Nếu con số trên là chính xác, thương vụ này ước tính đem về cho SHB khoản thu nhập hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó một nửa sẽ ghi nhận trước trong 2023, đóng góp phần thặng dư đáng kể vào kế hoạch lợi nhuận chung của ngân hàng trong năm nay.
Cũng trong kế hoạch bán vốn, một số nguồn tin cho biết, SHB hiện đang trong quá trình đàm phán để bán 20% vốn cổ phần cho đối tác chiến lược trong năm nay. Ngân hàng được định giá khoảng 2 – 2,2 tỷ USD với các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Cũng theo nguồn tin trên, thỏa thuận này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như đã đề cập ở trên, việc SHB liên tiếp thực hiện và thực hiện thành công các kế hoạch chào bán vốn khủng cho nhà đầu tư ngoại phần nào khẳng định sức hấp dẫn riêng của ngân hàng này trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính quốc tế.
Thực tế, “sức hấp dẫn” này cũng đang được phản ánh vào diễn biến giá của cổ phiếu trong suốt thời gian qua, giúp SHB đi ngược dòng cổ phiếu “bank” một cách ấn tượng.
Minh Phương