Theo đó, quỹ VOF Investment Limited vừa mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH để nâng sở hữu từ 0% lên 1,41% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 31/10 đến 8/11. Được biết, quỹ VOF Investment Limited là quỹ thuộc quản lý bởi VinaCapital.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 8/11 là 20.300 đồng/cp, ước tính quỹ ngoại này bỏ ra số tiền khoảng 203 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDH cũng như nhiều cổ phiếu bất động sản khác đã có thời gian dài giao dịch ảm đạm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11 giá cổ phiếu này giảm 6,4% về mức 19.000 đồng/cp và giảm hơn 50% trong vòng 3 tháng qua.
Diễn biến giá cổ phiếu KDH thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Trước đó, bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT Khang Điền đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KDH để nâng sở hữu từ 1,44% lên 2,84% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 31/10 đến 29/11.
Ngược lại, ngày 25/10, nhóm Dragon Capital vừa bán ra 762.991 cổ phiếu KDH để giảm sở hữu từ 5,1% về 4,998% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 572.991 cổ phiếu và quỹ Venner Group Limited bán ra 190.000 cổ phiếu.
Như vậy, sau giao dịch, nhóm Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Khang Điền.
Về kết quả kinh doanh, quý III/2022, doanh thu thuần của Khang Điền giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ cải thiện được giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 509 tỷ đồng, tăng 6%. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 39,7% lên 63,4%.
Doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể; trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh 81%, đạt 49 tỷ đồng, chủ yếu do chiết khấu thanh toán. Còn chi phí vận hành cũng tăng đáng kể, cụ thể: chi phí bán hàng tăng 5,5 lần lên 42 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 38% lên 51 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 10%, đạt 367 tỷ đồng.
Nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến nên lợi nhuận trước thuế quý III của Khang Điền tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 483 tỷ đồng. Biểu đồ: HT |
Đáng chú ý, trong quý III, Khang Điền có khoản lợi nhuận khác rất lớn, đạt 116 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 6 tỷ đồng) do được bồi thường chấm dứt hợp đồng (123 tỷ đồng). Nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến nên lợi nhuận trước thuế quý III của Khang Điền tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 483 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Khang Điền đạt 1.678 tỷ đồng, giảm 46%; lợi nhuận gộp 1.084 tỷ đồng, giảm 17%.
Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng được tiết giảm mạnh, lần lượt đạt 52 tỷ đồng, giảm 22% và 61 tỷ đồng, giảm 31%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 818 tỷ đồng, giảm 20%.
Cùng với khoản lợi nhuận khác 410 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 23 tỷ đồng) từ giao dịch mua rẻ (269 tỷ đồng) với Công ty Phước Nguyên và Đoàn Nguyên cùng khoản bồi thường chấm dứt hợp đồng (160 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế của đã tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 1.228 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 970 tỷ đồng, tăng 23%; trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 983 tỷ đồng.
Năm 2022, Khang Điền đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 69% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Về tài sản, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Khang Điền đạt 21.470 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm và chiếm 59% tổng tài sản. Đà tăng mạnh mẽ này là do hàng tồn kho tăng 64% lên 12.728 tỷ đồng; hầu hết là bất động sản xây dựng dở dang tại các dự án: khu dân cư Tân Tạo 5.049 tỷ đồng, khu nhà ở Đoàn Nguyên 3.208 tỷ đồng, Bình Trưng Đông 1.024 tỷ đồng, khu dân cư Bình Hưng 11A 528 tỷ đồng…
Thêm nữa, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 18%, đạt 4.961 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang đứng ở mức 728 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/9/2022 của Khang Điền là 9.787 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tăng 2,8 lần lên 7.206 tỷ đồng, gồm: vay ngắn hạn 1.030 tỷ đồng, tăng 26%, vay dài hạn 6.176 tỷ đồng, tăng 3,5 lần.
Đáng chú ý, Khang Điền có 529 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng gấp 3 lần.
Với vốn chủ sở hữu đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 14%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Khang Điền chỉ là 0,83 lần – mức rất an toàn.
Tuy nhiên, dòng tiền là điểm trừ khá lớn của công ty. Trong 9 tháng, dòng tiền kinh doanh âm 2.315 tỷ đồng (cùng kỳ âm 854 tỷ đồng) do tăng hàng tồn kho (4.996 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu (204 tỷ đồng), chi trả lãi vay (313 tỷ đồng). Dòng tiền kinh doanh âm cũng là “căn bệnh kinh niên” của Khang Điền trong nhiều năm liền. Chẳng hạn, giai đoạn 2020 - 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty lần lượt âm 2.010 tỷ đồng và 1.747 tỷ đồng.
Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, Khang Điền phải huy động vốn từ đi vay. Tiền thu từ đi vay 9 tháng đã lên tới 4.118 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lưu chuyển tiền thuần 9 tháng đạt 1.345 tỷ đồng, giúp tiền và các khoản tương đương tiền lên con số 2.711 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Quỳnh Nga