Bộ Tài chính vừa công bố tổng doanh thu phí bảo hiểm 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy sự phục hồi dù chưa mạnh mẽ nhưng đủ tích cực để thúc đẩy niềm tin vào thị trường bảo hiểm.
Sự phục hồi dù chưa mạnh nhưng đủ tích cực để thúc đẩy niềm tin vào thị trường bảo hiểm |
Trong tổng doanh thu trên, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục giữ đà tăng trưởng với mức doanh thu 71.905 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này nổi bật hơn nhiều so với mức tăng chỉ 3% trong năm ngoái, cho thấy thị trường phi nhân thọ đang lấy lại phong độ, đặc biệt là ở các doanh nghiệp lớn như Bảo hiểm PVI và Bảo Minh. Trong ba quý đầu năm, PVI dẫn đầu với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 10.629 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ; Bảo Minh cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể với doanh thu 4.634 tỷ đồng, tăng 14%.
Ngược lại,bảo hiểm nhân thọ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 132.204 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm đã chậm lại so với những tháng đầu năm, khi thị trường từng ghi nhận mức giảm tới 10,5% trong 6 tháng đầu năm. Đứng đầu doanh thu phí khai thác mới trong ba quý đầu năm 2024 là Bảo Việt Nhân thọ với 2.927 tỷ đồng, theo sau là Prudential, Dai-ichi Life, và Manulife.
Song song với doanh thu, thị trường cũng ghi nhận mức tăng mạnh ở chi trả quyền lợi bảo hiểm. Tổng số tiền chi trả quyền lợi trong 11 tháng đạt 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ chi trả 20.931 tỷ đồng và bảo hiểm nhân thọ chi trả 65.437 tỷ đồng. Riêng thiệt hại do bão số 3 (Yagi), các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận 14.769 vụ với tổng thiệt hại 11.486,6 tỷ đồng.
Số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 133.298 tỷ đồng, còn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 853.288 tỷ đồng. Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 838.319 tỷ đồng, tăng 12,58%, với số tiền đầu tư từ bảo hiểm phi nhân thọ là 74.885 tỷ đồng và bảo hiểm nhân thọ là 763.434 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, đạt 664.396 tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ. Dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm phi nhân thọ đạt 37.062 tỷ đồng, còn bảo hiểm nhân thọ đạt 627.334 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ còn gặp nhiều thách thức, sự bứt phá của bảo hiểm phi nhân thọ trở thành động lực quan trọng cho toàn ngành. Cùng với đó, việc tăng đầu tư trở lại nền kinh tế và nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ là chìa khóa để duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Những điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung Người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có thể đến khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ... |
Quy định mới về chứng chỉ đại lý bảo hiểm: Gian dối thi cử bị xử lý thế nào? Thông tư 85/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các trường hợp thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, như gian lận giấy tờ, ... |
Đề xuất tăng hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người nghèo có thể được hỗ trợ tới 50% Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với hai ... |
Trang Nhi