Thị trường chứng khoán 2025: Động lực tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn

04/02/2025 - 11:37
(Bankviet.com) Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc, hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market). VN-Index có thể đạt 1.450 điểm vào cuối năm, Tuy nhiên, rủi ro từ chiến tranh thương mại, tỷ giá và trái phiếu đáo hạn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.

Cơ hội bứt phá nhờ nâng hạng và dòng vốn ngoại

Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), động lực chính của thị trường sẽ đến từ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất thấp, dòng vốn FDI bền vững và sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền ngoại.

Kinh tế thế giới năm 2025: Ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều thách thức

Trong bối cảnh toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo đi ngang ở mức 2,9%, với xu hướng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương duy trì lộ trình cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, những yếu tố như chính sách tiền tệ thắt chặt giai đoạn trước, xung đột địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn mới có thể tác động tiêu cực đến triển vọng chung. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có nguy cơ giảm tốc, trong khi châu Âu phục hồi chậm và Nhật Bản hưởng lợi nhờ tiêu dùng tăng trưởng. Lạm phát toàn cầu dự báo giảm từ 5,8% năm 2024 xuống 4,3% năm 2025, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt trội trong khu vực

Trong khu vực, Việt Nam được dự báo tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế với GDP năm 2025 ước đạt 6,5 - 7%, vượt xa các nước ASEAN. Điều này nhờ vào sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, đầu tư công được đẩy mạnh, dòng vốn FDI tăng trưởng ổn định và sự hồi phục của xuất nhập khẩu, dù chịu ảnh hưởng từ các chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5%, đồng thời đẩy nhanh các cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả hơn.

Nguồn: FiinproX, Agriseco Research tổng hợp
Nguồn: Agriseco Research tổng hợp

Bên cạnh sự tăng trưởng của nền kinh tế, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cũng được dự báo tăng mạnh. Sau khi ghi nhận mức tăng 20% trong năm 2024, lợi nhuận toàn thị trường năm 2025 được dự báo tiếp tục tăng trưởng 18-20%, với động lực chính đến từ ngành tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và cung tiền M2 tăng trở lại, nhiều tổ chức dự báo dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào các thị trường cận biên và mới nổi, bao gồm Việt Nam.

Nguồn: FiinproX, Agriseco Research tổng hợp
Nguồn: FiinproX, Agriseco Research tổng hợp

VN-Index có thể đạt 1.450 điểm vào cuối năm 2025

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm cận biên (Frontier Market) nhưng đã đáp ứng 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell. Dự kiến, Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm 2025, với khả năng chính thức được công nhận vào nửa cuối năm. Khi đó, thị trường có thể đón nhận dòng vốn từ 5-6 tỷ USD từ các quỹ ETF, tạo cú hích lớn cho VN-Index.

Thị trường chứng khoán 2025: Động lực tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn

Hiện tại, VN-Index đang giao dịch với P/E ~ 13 lần, mức định giá hấp dẫn so với trung bình 5 năm qua (P/E ~ 14,5 lần). Trong khi đó, hiệu quả sinh lời (ROE) của thị trường Việt Nam vẫn cao hơn mức trung bình khu vực. Với mức P/E này, VN-Index đang là một trong những thị trường có định giá thấp nhất trong khu vực, tạo cơ hội lớn để thu hút dòng tiền ngoại.

Dựa trên các yếu tố tăng trưởng, Agriseco Research dự báo VN-Index sẽ hướng đến vùng điểm cao nhất khoảng 1.450 điểm vào nửa sau năm 2025 trên cơ sở (1) Lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng trong năm 2025 với mức khoảng 18-20%; (2) P/E hợp lý 13-14 lần.

Nguồn: FiinProX, Agriseco Research tổng hợp
Nguồn: FiinProX, Agriseco Research tổng hợp

Những yếu tố cần theo dõi trong năm 2025

Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen từ cả trong và ngoài nước bao gồm:

Thế giới: Các quốc gia tiếp tục quá trình cắt giảm lãi suất tuy nhiên tốc độ hạ lãi suất sẽ chậm dần. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại thời kỳ Trump 2.0 có thể sẽ là những ẩn số của thị trường.

Trong nước: Lạm phát, Tỷ giá có áp lực tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; Mặt bằng lãi suất duy trì thấp cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế vẫn sẽ là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong năm 2025. Các chính sách tài khóa, trong đó đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: Agriseco Research
Nguồn: Agriseco Research

Những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường chứng khoán Việt Nam 2025

Bên cạnh những cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, Agriseco Research cũng cảnh báo về một số rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là tác động từ chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump, biến động tỷ giá và áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Chính sách thuế quan thời kỳ Trump 2.0

Với quan điểm cứng rắn về bảo hộ thương mại và ưu tiên phát triển kinh tế nội địa, Tổng thống Trump đã cam kết triển khai nhiều chính sách quan trọng như tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên 60-100% và áp thuế từ 10-20% đối với các quốc gia khác, nhằm đưa đầu tư quay trở lại Mỹ và thúc đẩy sản xuất nội địa.

Thị trường chứng khoán 2025: Động lực tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn

Việt Nam, với tình trạng thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có thể là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế nhập khẩu mới. Từ năm 2014, Việt Nam luôn nằm trong Top 10 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, hiện đứng Top 3 trong danh sách các nước tạo thâm hụt thương mại lớn nhất cho nền kinh tế số một thế giới. Trong khi đó, tổng giá trị thương mại giữa hai nước chỉ đứng Top 8. Điều này đặt Việt Nam vào nguy cơ cao bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia chịu thuế nhập khẩu mới, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Theo OECD và Standard Chartered, quan hệ thương mại với Mỹ có tác động đến hơn 10% GDP của Việt Nam, chỉ đứng sau Mexico và Canada—hai quốc gia đã bị ông Trump nhắm đến trong chiến dịch áp thuế nhập khẩu trước đây. Nếu Mỹ quyết định áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, nền kinh tế sẽ chịu áp lực lớn, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, đặc biệt ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ và linh kiện điện tử.

Tỷ giá biến động: Áp lực từ chính sách kinh tế Mỹ

Nhìn lại giai đoạn 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến đồng USD tăng mạnh trong khi nhiều đồng tiền khác mất giá. Kịch bản này một lần nữa lặp lại vào năm 2024 sau khi ông Trump tái đắc cử. Với định hướng chính sách mới, rủi ro đồng VND mất giá trong năm 2025 là hiện hữu, đặc biệt khi Mỹ tiếp tục chính sách áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.

Áp lực tỷ giá gia tăng trong năm 2024 đã khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải sử dụng các công cụ bơm/hút tiền và bán USD để bình ổn tỷ giá. Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống khoảng 85.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, khiến dư địa can thiệp vào tỷ giá bị thu hẹp đáng kể. Nếu đồng VND tiếp tục mất giá, các doanh nghiệp có nợ vay ngoại tệ và các ngành nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, trong khi áp lực lạm phát cũng có thể gia tăng.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro tiềm ẩn đối với thanh khoản hệ thống

Năm 2025 sẽ là một năm thử thách đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Theo thống kê, giá trị trái phiếu đến hạn trong giai đoạn 2025-2026 vào khoảng 490.000 tỷ đồng, trong đó năm 2025 có khoảng 250.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tập trung vào nửa cuối năm.

Thị trường chứng khoán 2025: Động lực tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn

Riêng nhóm bất động sản, ước tính có tới 45% trái phiếu đáo hạn trong năm 2025, với khoảng 20.000 tỷ đồng thuộc diện có nguy cơ chậm thanh toán gốc và lãi. Theo VIS Rating, tình trạng này có thể khiến thanh khoản thị trường gặp khó khăn, làm giảm dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp chỉ được gia hạn tối đa hai năm. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước đó sẽ không thể tiếp tục gia hạn thêm sau năm 2025, khiến áp lực thanh toán tăng cao. Nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và tài chính sẽ là những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẵn sàng bứt phá trong năm 2025

KBSV Research dự báo VN-Index đạt 1.460 điểm vào cuối năm 2025, tăng trưởng 16,7% EPS. Các chủ đề đầu tư nổi bật gồm nâng ...

Nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2025 khi chứng khoán Việt Nam nâng hạng

Năm 2025, chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE, mở ra cơ hội thu hút dòng ...

Đầu tư chứng khoán 2025: Nắm giữ lâu dài hay giao dịch ngắn hạn?

Đầu tư chứng khoán luôn là kênh sinh lời hấp dẫn, nhưng lựa chọn chiến lược phù hợp lại là bài toán không dễ. Nên ...

Anh Vũ

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán