Khối ngoại mua ròng trở lại trên HoSE, bán ròng kỷ lục ở UPCoM: Giao dịch của khối ngoại có sự bất ngờ trong phiên 11/10. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 37,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.541 tỷ đồng, trong khi bán ra 51,5 triệu cổ phiếu, trị giá 3.677 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 13,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là hơn 2.100 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng hơn 400 tỷ đồng sau 3 phiên bán ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng mua ròng gần 9,7 triệu đơn vị. Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng đột biến 2.564 tỷ đồng tại sàn UPCoM - kỷ lục kể từ khi sàn này đi vào hoạt động, tương ứng khối lượng bán ròng là 23,5 triệu cổ phiếu. MML bị khối ngoại bán ròng lên đến 2.550 tỷ đồng (23,2 triệu cổ phiếu) và hầu hết thông qua phương thức thỏa thuận.
UBCK đang thanh tra cổ phiếu họ Louis: Sáng ngày 11/10, CTCP Louis Holdings đã tổ chức buổi họp báo công bố bổ nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Mai Long. Ông Nguyễn Mai Long sẽ đảm nhiệm vai trò điều hành hệ sinh thái Louis Holdings. Tại buổi họp báo, Tân Tổng Giám đốc của Louis Holdings đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động thao túng giá cổ phiếu. Ông Long cho biết, hiện doanh nghiệp đang đón tiếp đoàn kiểm tra của UBCKNN. Phía Louis Capital (TGG) đang cung cấp các hồ sơ thông tin theo yêu cầu của UBCKNN.
Tôn Đông Á chuẩn bị IPO và niêm yết: Chứng khoán SSI cho biết Công ty cổ phần Tôn Đông Á (TDA) dự kiến sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 11 tới đây, trong đó gồm 12,37 triệu cổ phiếu sơ cấp và 2,98 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương ứng 12% và 3% vốn điều lệ trước chào bán. Nếu bán thành công 100%, tổng số cổ phiếu lưu hành sẽ tăng từ 102,32 triệu đơn vị lên 114,69 triệu đơn vị. Tôn Đông Á có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong tháng 1/2022. Tôn Đông Á được thành lập vào năm 1998, chuyên sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu dùng trong xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng….
FLC kịch trần sau khi cập nhật kế hoạch tăng vốn lên hơn 12.000 tỷ: Trong phiên giao dịch đầu tuần 11/10, cổ phiếu Tập đoàn FLC tăng 6,6% lên 12.150 đồng/cp và là một trong số 11 mã ở HOSE kết phiên trong sắc tím. Thanh khoản khớp lệnh của FLC hôm nay đạt gần 35 triệu đơn vị, tương đương hơn 400 tỷ đồng. Khi thị trường đóng cửa, vẫn còn hơn 16 triệu cổ phiếu FLC dư mua giá trần. Vốn hóa của tập đoàn tăng từ gần 8.100 tỷ đồng lên hơn 8.600 tỷ. Phiên cuối tuần trước (8/10), FLC cũng tăng 1,3%. Cổ phiếu FLC giao dịch khởi sắc sau khi tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cập nhật phương án chào bán gần 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:7. Chủ trương chào bán đã được đại hội cổ đông của FLC thông qua vào ngày 12/4 năm nay. Tuy nhiên ít ngày trước, FLC mới công bố mức giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp.
Cổ phiếu SHB vượt mốc 30.000 đồng trong ngày đầu giao dịch trên HOSE: Sáng ngày 11/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã chính thức chuyển giao dịch cổ phiếu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Giá tham chiếu cho ngày đầu giao dịch là 28.900 đồng/cp, biên độ +/- 7%. Kết phiên giao dịch ngày đầu tiên trên HOSE, giá cổ phiếu SHB tăng 4,84% (tương ứng 1.400 đồng/cp) lên 30.300 đồng/cp. Khối lượng giao dịch đạt tới hơn 50 triệu đơn vị, cao hơn rất nhiều so với khối lượng bình quân của 10 phiên trước đó (hơn 18 triệu cp).
Một cổ phiếu gần gấp đôi sau hai tuần: Đóng cửa phiên 11/10, cổ phiếu CLM của Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM) giảm sàn, chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp. Hiện thị giá đứng tại mức 40.100 đồng/cp, tăng 91% sau gần hai tuần. Tương tự nhiều trường hợp tăng đột biến khác, thanh khoản của cổ phiếu CLM thấp, khoảng 500 – 1.000 đơn vị/phiên. Một số phiên đột biến như 8/10, khối lượng giao dịch đạt 16.706 đơn vị khớp lệnh.
KKR đã bán hơn 23,16 triệu cổ phiếu MML, lỗ gần 26% sau 4 năm nắm giữ: Theo HNX, VN Consumer Meat II - quỹ đầu tư thuộc sở hữu của Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đã đăng ký bán toàn bộ 23,16 triệu cổ phiếu MML của CTCP Masan MeatLife từ ngày 11/10 đến ngày 9/11/2021. Đáng chú ý, ngay trong phiên sáng ngày 11/10, cổ phiếu MML ghi nhận giao dịch thỏa thuận hơn 23,16 triệu đơn vị, khớp với giao dịch đã đăng ký trước đó. Nhiều khả năng VN Consumer Meat II đã hoàn thành việc thoái vốn ngay trong ngày đăng ký đầu tiên. Giao dịch được thực hiện tại mức giá 110.000 đồng/cp, cao hơn 18% so với mức giá đóng cửa phiên 11/10 của cổ phiếu MML là 93.000 đồng/cp. Theo đó quỹ ngoại này có thể đã thu về hơn 2.547 tỷ đồng từ thương vụ trên (hơn 110 triệu USD). Được biết vào tháng 4/2017, KKR đã đầu tư vào Masan Group với tổng số tiền 250 triệu USD. Khoản đầu tư bao gồm 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners, công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch và 150 triệu USD đổi lấy 7,5% cổ phần của Masan Nutri - Science, tiền thân của Masan MeatLife. Như vậy, quỹ ngoại có thể đã lỗ gần 40 triệu USD (gần 26%) sau hơn 4 năm nắm giữ cổ phiếu MML.
78 mã cổ phiếu trên HNX bị cắt margin trong quý 4/2021: HNX vừa công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý 4/2021 với 78 cái tên. Cụ thể: 45 mã cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo: BII, SDA, CEO, CIA, CJC, CTX, KVC, L35, L43, LUT, MIM, PPE, VNT, VTH, VTJ, PDC, BKC, CMS, KSQ, KHT, C92, LM7, MAS, CTC, VE1, VIE, TST, LDP, PCG, API, HHG, HUT, IVS, KSD, PV2, IDJ, BNA, LCS, SSM, V21, SD4, SPI, L61, DZM, DST; 12 mã thuộc diện bị kiểm soát: PGT, VC9, ACM, TTZ, HPM, PVL, VIG, SD2, OCH, BLF, VXB, VTL; 06 mã thuộc trường hợp kiểm toán có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021: BXH, KMT, PHP, AMC, CKV, HGM; 14 mã có lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 là số âm: NST, VLA, PEN, SMT, PTD, THB, PVB, CX8, SGD, KTT, NRC, SDT, TFC, TXM; 01 mã do chậm công bố thông tin BCTC bán niên soát xét năm 2020 quá 05 ngày làm việc, chứng khoán vào diện bị tạm ngừng giao dịch: VAT.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam