Gần 4 triệu cp OCH của Ocean Group bị phong tỏa: Ngày 21/06, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình đã ra quyết định cưỡng chế kê biên và xử lý tài sản đối với gần 4 triệu cp đang nắm giữ tại CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (HNX: OCH) của CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC). Theo đó, gần 4 triệu cp OCH mà OGC lưu ký tại Công ty Chứng khoán Everest sẽ không được chuyển dịch hay sang nhượng đến khi thi hành án xong hoặc có quyết định từ cơ quan thi hành án dân sự quận. Trước đó, vào tháng 1/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi đến OGC "đề nghị tạm dừng mọi biến động đối với số cổ phiếu OCH đang nắm giữ cho đến khi có ý kiến của Cơ quan".
Cổ phiếu LDG sẽ quay lại mệnh giá vào tháng 10/2021: Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra vào sáng ngày 30/6, các cổ đông của CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG) tiếp tục có những câu hỏi liên quan đến cổ phiếu duy trì giá thấp trong thời gian dài. Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty cũng cho rằng với 7.000 đồng/cp thì giá cổ phiếu LDG rất thấp so với giá trị công ty và thời gian dài chưa có sự tăng trưởng. "Đây là điều cá nhân tôi và ban lãnh đạo công ty rất đau đáu. Chúng tôi đã có kế hoạch cho nửa cuối năm, đưa thị giá cổ phiếu LDG quay lại mệnh giá. Dự kiến, giai đoạn đó rơi vào tháng 10/2021.
Thị trường chứng khoán đang tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10%: Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tại toạ đàm "Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán" ngày 29/06, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá thị trường vẫn còn triển vọng, lạm phát vẫn còn thấp. Môt yếu tố nữa là thực lực của thị trường, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay. Thứ ba là khối ngoại không còn giữ vai trò điều tiết như trước. Mặc dù vậy, ông Lực cho rằng thị trường chứng khoán hiện tại đang tiềm ẩn các rủi ro: “Sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10%. Lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh”.
Nhóm Tuấn Lộc trở thành cổ đông lớn của Tín Nghĩa: Ngày 24/5, CTCP Đầu tư Thành Thành Công đã bán 54,53 triệu cổ phiếu (tương đương 27,26% vốn) của CTCP Tổng Công ty Tín Nghĩa (Mã: TID) theo phương thức thỏa thuận. Với giá trị thương vụ được công bố gần 818 tỷ đồng, ước tính giá bán trung bình của cổ phiếu TID là 15.000 đồng/cp, thấp hơn giá đóng cửa trong phiên 24/5 khoảng 24%. Trong giai đoạn 20-27/5, cổ phiếu TID đã tăng trần 7 phiên liên tiếp. Cùng thời điểm Đầu tư Thành Thành Công hoàn tất thoái vốn, CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Sài Gòn thông báo mua thỏa thuận thành công 48 triệu cổ phiếu TID, tăng sở hữu lên 24,96% và trở thành cổ đông lớn của Tín Nghĩa. Cổ đông mới của Tín Nghĩa được cho là có liên quan đến nhóm CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc - công ty xây dựng đã có nhiều thương vụ M&A trong quá khứ như tại Cienco, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (Mã: CC1),…
Cổ phiếu NHP bị hạn chế giao dịch từ ngày 02/07: Ngày 29/06, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc cổ phiếu NHP của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM nhưng sẽ bị hạn chế giao dịch. Cụ thể, gần 27,6 triệu cp NHP sẽ giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 02/07, tuy nhiên cổ phiếu NHP chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần do Công ty vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị hủy niêm yết. Trước đó, kể từ 24/06, cổ phiếu NHP đã bị hủy niêm yết trên sàn HNX do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp từ 2018-2020, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo Luật Chứng khoán.
Cổ phiếu JVC sẽ chuyển sang diện kiểm soát kể từ ngày 06/07: Ngày 29/06, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có văn bản chính thức về việc sẽ chuyển cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 06/07. Theo đó cổ phiếu JVC sẽ bị đưa vào diện kiểm soát và bị hạn chế giao dịch – chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch, kể từ ngày 06/07. Nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu JVC bị đưa vào diện kiểm soát là do kết quả kinh doanh yếu kém của Công ty. Cụ thể, JVC lỗ sau thuế gần 77 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/03/2020 đã âm hơn 1.015 tỷ đồng.
Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) ước lãi trên 3.000 tỷ đồng nửa đầu năm: CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 49.483 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận 6 tháng ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 5.451 tỷ. Tuy nhiên, công ty không nêu chi tiết lợi nhuận này là sau thuế, trước thuế, lợi nhuận thuần hay EBITDA. Năm 2021, mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm của BSR khoảng 864 tỷ đồng. Thực tế, công ty đã đạt gấp đôi kế hoạch lợi nhuận ngay từ quý I/2021 nhờ giá dầu leo cao.
Khối ngoại sàn HOSE mua ròng mạnh nhất gần 3 tháng với giá trị 1.755 tỷ đồng: Phiên giao dịch cuối tháng 6 khép lại với sắc đỏ hiện diện trên cả 3 chỉ số. Tuy nhiên, giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua chủ yếu tập trung vào NVL với giá trị 1.507 tỷ đồng (phần lớn thông qua giao dịch thỏa thuận). Nếu loại đi giao dịch này, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 200 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 15,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.755 tỷ đồng, mạnh nhất trong gần 3 tháng.
PV
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam