Thị trường chứng khoán ngày 17/9/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

17/09/2021 - 15:43
(Bankviet.com) Hơn 5 triệu cổ phiếu VPB sắp được tự do chuyển nhượng; Louis Capital khẳng định không thao túng giá AGM, SMT, BII, TGG; Cổ phiếu QBS liên tiếp tăng trần dù nằm trong diện kiểm soát; VIC bị bán ròng lên đến hơn 1.100 tỷ đồng phiên 16/9;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 17/9/2021.

Hơn 5 triệu cổ phiếu VPB sắp được tự do chuyển nhượng: Ngày 15/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) ra thông báo về việc giải tỏa 35% đợt 2 cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2018 (ESOP 2018). Cụ thể, ngân hàng sẽ giải toả hơn 5,1 triệu cổ phiếu, tương đương 35% số lượng đăng ký niêm yết bổ sung của đợt phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến từ 20/9 - 24/9. Trong năm 2018, VPBank phát hành gần 33,7 triệu cổ phiếu ESOP. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ số cổ phiếu trên đều bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Tuy nhiên, tại cuộc họp ĐHĐCĐ 2019, cổ đông VPBank quyết định sửa đổi điều kiện hạn chế chuyển nhượng. Cụ thể, lượng cổ phiếu này giải tỏa dần theo tỉ lệ: 30% số cổ phần đầu tiên được tự do chuyển nhượng sau 1 năm, 35% tiếp theo được giải tỏa sau 2 năm và 35% cổ phần cuối cùng được giải tỏa sau 3 năm.

Louis Capital khẳng định không thao túng giá AGM, SMT, BII, TGG: Mới đây CTCP Louis Capital (HOSE: TGG) vừa có công văn xác minh các tin đồn liên quan đến thao túng chứng khoán của Công ty. Theo đó Louis Capital cam kết chưa từng và sẽ không bao giờ thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Theo văn bản phát đi ngày 16/09, Louis Capital phản ánh thông tin rằng hiện nay các cổ phiếu có mã AGM, SMT, BII, TGG đang có mức tăng giá gây nhiều chú ý thời gian qua. Xoay quanh sự kiện này, trên các phương tiện truyền thông đang tồn tại nhiều thông tin trái chiều và gián tiếp cho rằng Louis Capital cùng các công ty có mã cổ phiếu trên đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà không có bất kỳ chứng cứ chứng minh nào. Và thực tế, Louis Capital không thực hiện bất cứ hành vi nào để tác động về giá cổ phiếu cũng như thao túng thị trường chứng khoán.

HOSE gửi văn bản đề nghị HNX chuyển sàn cho SHB: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) mới đây cho biết Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã cập nhật đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết theo quy định. Theo đó, HOSE đã gửi văn bản tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đề nghị cơ quan này phối hợp và hỗ trợ để SHB chuyển sàn như nguyện vọng của ngân hàng. Trước đó, vào ngày 18/9/2020, HOSE đã nhận được hồ sơ niêm yết lần đầu của SHB. Tuy nhiên, quá trình chỉnh sửa bổ sung hồ sơ đã kéo dài qua năm 2021 sau khi ngân hàng hoàn tất thủ tục pháp lý cho đợt tăng vốn hồi tháng 3. Đến ngày 20/4/2021, HOSE cho biết hồ sơ đăng ký niêm yết của SHB đã phù hợp theo quy định và việc cấp quyết định niêm yết chính thức sẽ có sau khi có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền về việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE. Tại thời điểm đó, các cổ phiếu được HOSE chấp thuận chuyển niêm yết đã phải tạm thời giao dịch trên HNX để xử lý tình trạng nghẽn lệnh.

Cổ phiếu QBS liên tiếp tăng trần dù nằm trong diện kiểm soát: Ngày 08/04/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định về việc chuyển cổ phiếu QBS từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 15/04/2021 với lý do: Lỗ ròng năm 2019 trên 173 tỷ đồng và lỗ ròng 2020 trên 97 tỷ đồng; lãi sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là con số âm 93 tỷ đồng. Đến ngày 29/08/2021, HOSE nhận được BCTC hợp nhất bán niên năm 2021 đã soát xét của Công ty, theo đó lãi ròng 6 tháng đầu năm 2021 của QBS là 0,5 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/06/2021 là âm 92 tỷ đồng… Theo đó, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu QBS. Mặc dù vậy, cổ phiếu QBS gây bất ngờ khi liên tục tăng mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, mã này đã tăng trần 5 phiên gần đây và tiếp tục mang sắc tím trong phiên 16/09, đạt mức tăng tổng cộng 49%. Khối lượng giao dịch bình quân qua 1 tuần đạt trên 1 triệu cp/phiên.

Chậm giải trình giao dịch, Phó Tổng Hapaco bị xử phạt: Ngày 15/09/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Xuân Thịnh - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hapaco (HOSE: HAP). Ông Vũ Xuân Thịnh đã có hành vi vi phạm hành chính là báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch. Cụ thể, ông Thịnh, đăng ký mua 2 triệu cp HAP từ ngày 06/10/2020 đến ngày 05/11/2020 và không thực hiện được giao dịch. Tuy nhiên, đến ngày 20/11/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) mới nhận được báo cáo và giải trình về nguyên nhân không thực hiện được giao dịch. Theo đó, vị lãnh đạo bị phạt tiền 22,5 triệu đồng.

MSB chốt quyền chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - HOSE) vừa thông báo về việc chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối có thể sử dụng chia cổ tức lũy kế đến cuối năm 2020 với tỷ lệ 30%. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được hưởng quyền chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu là ngày 08/10/2021. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 07/10/2021. Vào đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của MSB lên 15.275 tỷ đồng từ mức 11.750 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nguồn vốn lấy từ lợi nhuận để lại hơn 4.775 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020 sau khi đã trích lập đủ các khoản, các quỹ theo quy định pháp luật.

VIC bị bán ròng lên đến hơn 1.100 tỷ đồng phiên 16/9: Điểm tiêu cực của thị trường ở phiên này là khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 36 triệu cổ phiếu, trị giá 1.754 tỷ đồng, trong khi bán ra 51,2 triệu cổ phiếu, trị giá 3.020 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 15,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.266 tỷ đồng. Riêng ở sàn HoSE, khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.300 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 16,7 triệu cổ phiếu, đây cũng là phiên bán ròng thứ 15 của khối ngoại sàn này với tổng giá trị hơn 7.370 tỷ đồng. VIC bị bán ròng lên đến hơn 1.100 tỷ đồng ở phiên này, bỏ xa mã đứng sau là DGW với 83 tỷ đồng. DGC và VNM bị bán ròng lần lượt 43 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Trong khi đó, VRE được mua ròng mạnh nhất với 78 tỷ đồng. MSN và MBB được mua ròng lần lượt 47 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán