Thị trường chứng khoán ngày 31/8/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

31/08/2021 - 15:28
(Bankviet.com) VNM bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 211 tỷ đồng; Một cổ phiếu tăng trần 9 phiên; Hà Đô niêm yết bổ sung gần 9,4 triệu cổ phiếu; Ocean Group bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 31/8/2021.

Cổ phiếu TOS sắp lên UPCoM với giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho CTCP Dịch vụ Tân Cảng (Mã: TOS) được giao dịch phiên đầu tiên trên thị trường UPCoM vào ngày 8/9. Theo đó, 26,5 triệu cổ phiếu TOS sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính vốn hoá ngày chào sàn là 848 tỷ đồng. CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng được thành lập từ năm 2012, là một trong 3 đơn vị kinh doanh trụ cột thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Các dịch vụ kinh doanh cốt lõi của Công ty bao gồm cung cấp tàu dịch vụ dầu khí đa năng, tàu trực và tàu bảo vệ; dịch vụ lai dắt, cứu hộ và cứu nạn; dịch vụ khảo sát ngầm; dịch vụ vận chuyển và lắp đặt.

Một cổ phiếu tăng trần 9 phiên: Cổ phiếu SPM của CTCP S.P.M (HoSE: SPM) vừa tăng 11 phiên liên tiếp, trong đó 9 phiên tăng trần. Đóng cửa ngày 30/8, thị giá SPM ở mức 26.400 đồng/cp, tăng 91% sau hai tuần. Thanh khoản bình quân của mã chứng khoán này thấp, khoảng 15.000 đơn vị. Tiền thân của Công ty S.P.M là Dược phẩm Đô Thành – một nhà phân phối dược phẩm trực thuộc Tendipharco (Công ty Dược Quận 10) được thành lập năm 1988. Năm 2007, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE từ năm 2010. Sau 4 lần tăng vốn, giá trị vốn điều lệ tăng từ 20 tỷ lên 140 tỷ đồng như hiện nay. Ngành nghề kinh doanh chính của SPM là sản xuất và mua bán dược phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; bán buôn máy móc, thiết bị y tế…

Hà Đô niêm yết bổ sung gần 9,4 triệu cổ phiếu: CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE – Mã: HDG) vừa đăng ký niêm yết thêm 9.356.700 cổ phiếu để nâng số lượng cổ phiếu niêm yết từ 154,28 triệu cổ phiếu lên 163,63 triệu cổ phiếu. Công ty cho biết, đây là cổ phiếu phát hành để thực hiện quyền của chứng quyền. Ngày thay đổi niêm yết là 31/8/2021. Về kết quả kinh doanh, trong quý II/2021, HDG ghi nhận doanh thu đạt 477,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 100,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 75% và 81,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 40,9% lên 63,1%... Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, HDG ghi nhận doanh thu đạt 1.831,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 502,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 38,7% và 35,2% so với cùng kỳ năm trước.

VNM bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 211 tỷ đồng: Điểm trừ trong phiên giao dịch 30/8 vẫn là việc khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 43 triệu cổ phiếu, trị giá 1.713 tỷ đồng, trong khi bán ra 48,8 triệu cổ phiếu, trị giá 2.104 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 5,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là gần 391,4 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị tương đương phiên trước (tăng 1%) và ở mức gần 389 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 5,27 triệu cổ phiếu. Như vậy, dòng vốn này bán ròng tổng cộng 1.186 tỷ đồng sau 4 phiên giao dịch. VNM bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất với 211 tỷ đồng, MSN đứng sau với giá trị bán ròng là 194 tỷ đồng. Ngược lại, VCB đứng đầu danh sách mua ròng với 80 tỷ đồng, CTGMBB được mua ròng lần lượt 70 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.

Chứng khoán An Bình (ABS) tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức có văn bản chấp thuận kết quả chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 397 tỷ đồng lên mức 1.000 tỷ đồng cho CTCP Chứng khoán An Bình (Mã CK: ABS). Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra vào tháng 4/2021, các cổ đông ABS đã thống nhất thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp 2,5 lần, đạt 1.000 tỷ đồng. Theo đó, ABS đã hoàn thành đợt phát hành đầu tiên, bao gồm phát hành cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu (từ ngày 28/7/2021 đến ngày 16/8/2021), thu về được 563.739.940.000 đồng; bên cạnh đó là phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2020.

Đạm Hà Bắc (DHB) chìm trong thua lỗ: Báo cáo soát xét bán niên 2021 của Đạm Hà Bắc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 1.867 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế lại là con số âm 409 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Công ty đã tăng lên 5.161 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.392 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2021, Đạm Hà Bắc có khoản nợ phải trả lên đến 10.311 tỷ đồng, trong đó 60% là nợ ngắn hạn. Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học TP.HCM, đơn vị thực hiện soát xét, nhấn mạnh, “tại thời điểm 30/6/2021, báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Đạm Hà Bắc phản ánh tổng số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là hơn 5.601 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 5.161 tỷ đồng lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu 2.392 tỷ đồng. Các nội dung này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Ocean Group bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục: CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã: OGC) đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2021 với loạt ý kiến nhấn mạnh nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của OGC từ phía đơn vị kiểm toán AFC Việt Nam. Sau soát xét, Ocean Group ghi nhận doanh thu thuần ở mức 220,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, giảm 16% so với cùng giai đoạn năm trước. Sau khi trừ chi phí OGC báo lãi ròng giảm 4% đạt gần 43 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét của Ocean Group, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc Công ty có các khoản nợ phải thu, khoản góp vốn cho các đối tác để triển khai dự án đầu tư và khoản cho vay, tài sản thiếu chờ xử lý và các khoản đầu tư khác với tổng số dư nợ gốc là 1.039 tỷ đồng, số dự phòng gần 296 tỷ đồng, giá trị thuần của tài sản sau bù trừ số dư nợ phải trả và trích lập dự phòng hơn 408 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản trên cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập…

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán