Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn

23/09/2024 - 21:15
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng trở lên hấp dẫn và là nơi đầu tư thuận lợi cho các nhà kinh doanh.
Thị trường chứng khoán Việt sôi động nhất khu vực Đông Nam Á ‘Nút thắt’ cần tháo gỡ để nâng hạng thị trường chứng khoán

Thông tin được ông Sugano Yuichi - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo khởi động Dự án Hợp tác Kỹ thuật “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng 23/9, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

JICA tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - thông tin, tiếp nối sự thành công của Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” (2019 - 2023), với bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp tục hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển phù hợp với Chiến lược phát triển ngành, giúp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường năng lực quản lý, giám sát, hướng tới thực hiện mục tiêu “bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường" trong Dự án này.

Dự án đáp ứng nhu cầu cấp thiết đang đặt ra của việc nâng cao năng lực trong công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường chứng khoán của ngành chứng khoán Việt Nam.

Đến cuối tháng 8/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (280 tỷ USD), tăng 19,1% so với cuối năm 2023, tương đương 69,2% GDP ước tính năm 2023.

Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1 tỷ USD, tăng 31,3% so với bình quân năm trước. Thị trường hiện có 728 cổ phiếu niêm yết và 878 cổ phiếu trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết đạt 2.246 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 50 tỷ USD giá trị cổ phiếu, tương đương hơn 17% vốn hóa thị trường. Những kết quả này chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoá

Dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam” bao gồm 4 cấu phần: Thứ nhất, tăng cường năng lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch trong việc thanh tra giám sát thị trường để phát hiện các giao dịch và hoạt động không công bằng trên thị trường cổ phiếu (gồm cả thị trường phái sinh) và quản lý hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường năng lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc giảm sát và phát triển các trung gian thị trường (công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ) hướng tới “tăng cường bảo vệ nhà đầu tư", "sử dụng hiệu quả các “tổ chức tự quản”, và “phát triển nhà đầu tư tổ chức".

Thứ ba, tăng cường năng lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch trong việc quản lý niêm yết và phát hành chứng khoán ra công chúng, tập trung vào: tái cấu trúc thị trường (gồm thị trường khởi nghiệp) và quy định niêm yết; quản lý niêm yết (tập trung vào công bố thông tin của các công ty niêm yết, gồm các các thông tin phi tài chính như ESG, TCFD); phương thức bảo lãnh phát hành/dựng sổ dựa trên chuẩn mực quốc tế.

Thứ tư, tăng cường năng lực các trung gian thị trường (công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ) nhằm tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và đẩy mạnh tính công bằng và minh bạch cũng như hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Cũng theo bà Vũ Thị Chân Phương, đây là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán, hướng tới các mục tiêu theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Bên cạnh đó, các mảng kết quả của Dự án cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.

“Sau hội thảo khởi động này, cùng với việc triển khai các nội dung của Biên bản thảo luận giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và JICA, thể chế về thị trường chứng khoán, bao gồm các quy định về quản lý niêm yết, phát hành, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sẽ ngày càng hoàn thiện, song song với đó, nhận thức của các thành viên thị trường ngày càng được nâng cao”, bà Vũ Thị Chân Phương kỳ vọng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường ASEAN và quốc tế

Về phía JICA, ông Sugano Yuichi - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam – thông tin, thị trường cổ phiếu Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong 30 năm qua. Với mục tiêu phát triển hơn nữa trong tương lai, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm nâng cấp thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Với mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, và đặc biệt gần đây là các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư trong nước đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh này, JICA thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật trong giai đoạn từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023 nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch Chứng khoán cũng như thúc đẩy hơn nữa tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng trở lên hấp dẫn và là nơi đầu tư thuận lợi cho các nhà kinh doanh, đây là lý do JICA tiếp tục hợp tác thông qua giai đoạn 2 của Dự án”, ông Sugano Yuichi chia sẻ.

Cũng theo ông Sugano Yuichi, bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh thực hiện "Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030", Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của các cơ quan có liên quan và nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững cả về mặt kinh tế và xã hội của nền kinh tế.

Dự án mới này cũng thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường ASEAN và quốc tế. Thúc đẩy hơn nữa tính công bằng và minh bạch cũng như hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hợp tác phát triển mới.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán của Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu đến vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP (năm 2030); dư nợ trái phiếu đạt 58% GDP (năm 2030); thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng 20-30%/năm (2021-2030);

Đến 2030 có 11 triệu tài khoản giao dịch (năm 2030); tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên 60% (năm 2030); Nâng chất lượng quản trị vượt mức bình quân Đông Nam Á; Áp dụng tiêu chuẩn ESG tại các Sở giao dịch chứng khoán; Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi (2025); Hướng tới trình độ nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN (2025).

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương