Thị trường kim loại quý hôm nay 16/4/2025: Giá vàng đạt mốc khủng, bạc vững chắc
Ngày 16/4, giá vàng trong nước vượt đã 108 triệu đồng/lượng. Bạc tiếp tục tăng ổn định trong khi kim loại đồng có sự điều chỉnh nhẹ.
Vàng trong nước vượt 108 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tăng đều
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng trong sáng 16/4. Tại Công ty SJC, giá vàng miếng được niêm yết ở mức 105,5 triệu đồng/lượng mua vào và 108 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng ở cả hai chiều so với phiên trước. Các doanh nghiệp lớn như DOJI, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý đều điều chỉnh giá theo hướng tương tự, cho thấy xu hướng tăng đã lan rộng toàn thị trường.

Đáng chú ý, vàng nhẫn – sản phẩm được giới đầu tư cá nhân ưa chuộng – cũng có bước tăng rõ nét. DOJI niêm yết vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng ở mức 102,5 – 105,7 triệu đồng/lượng, trong đó chiều mua vào tăng 700.000 đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá bán ra vàng nhẫn lên tới 106,6 triệu đồng/lượng – mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay với dòng sản phẩm này.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ghi nhận mức 3.232,99 USD/ounce tại thời điểm 5h30 sáng nay (giờ Hà Nội), tăng gần 24 USD trong vòng 24 giờ. Mức tăng này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi căng thẳng thương mại và các biện pháp bảo hộ thương mại từ Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bạc tiếp tục tăng, thị trường nội địa phản ánh tâm lý tích cực
Giá bạc tại Phú Quý tiếp tục tăng, hiện được giao dịch ở mức 1.244.000 đồng/lượng mua vào và 1.282.000 đồng/lượng bán ra. Tại các điểm giao dịch khác ở Hà Nội và TP.HCM, bạc 99.9 và 99.99 đều tăng nhẹ, phổ biến ở mức 1.027.000 – 1.067.000 đồng/lượng, tùy loại và khu vực.
Trên thị trường quốc tế, giá bạc giao ngay đạt 32,2 USD/ounce, tương đương khoảng 843.000 đồng/ounce, tăng nhẹ 0,23 USD so với phiên trước. Diễn biến này cho thấy đà tăng của bạc vẫn duy trì ổn định nhờ hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như đồng USD suy yếu và dòng tiền dịch chuyển sang tài sản an toàn.
Theo các nhà phân tích, bạc đang đi cùng chiều với vàng – cả hai đều được hưởng lợi từ tình trạng bất ổn kéo dài của thị trường tài chính và thương mại toàn cầu.
Đồng điều chỉnh sau chuỗi tăng, nhưng vẫn cao hơn 13,5% so với đáy
Giá kim loại đồng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) trong ngày 16/4 ghi nhận mức giảm 0,5%, còn 9.138 USD/tấn. Đây là phiên điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi tăng kéo dài trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhà đầu tư đang đánh giá lại các tác động thực tế từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
So với đáy gần nhất là 8.105 USD/tấn cách đây một tuần, giá đồng vẫn đang cao hơn tới 13,5%. Điều này cho thấy lực cầu quay trở lại với nhóm kim loại công nghiệp có tính chu kỳ cao, đặc biệt là khi đồng vẫn được xem là chỉ báo cho triển vọng kinh tế toàn cầu.
Cùng với đồng, các kim loại công nghiệp khác ghi nhận diễn biến phân hóa. Nhôm và kẽm giảm lần lượt 0,4% và 0,7%, trong khi chì, thiếc và niken lần lượt tăng 0,4%, 0,5% và 1,5%. Những số liệu này phản ánh sự thiếu đồng thuận về kỳ vọng phục hồi công nghiệp giữa các khu vực và lĩnh vực tiêu dùng kim loại.
Thị trường thép ổn định, quặng sắt tiếp đà tăng nhẹ
Tại Việt Nam, giá thép tiếp tục giữ ổn định tại các khu vực. Miền Bắc ghi nhận giá CB240 dao động quanh 13.330 – 13.530 đồng/kg và D10 CB300 từ 13.450 – 13.740 đồng/kg, tùy thương hiệu. Miền Trung và TP.HCM cũng duy trì mức giá quen thuộc từ đầu tháng 4.
Tín hiệu đi ngang của thị trường thép nội địa được đánh giá là tích cực đối với các doanh nghiệp xây dựng trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu tại nhiều quốc gia đang biến động.
Trên thị trường quốc tế, giá thép thanh kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Thượng Hải tăng 0,26%, đạt 3.052 nhân dân tệ/tấn. Quặng sắt kỳ hạn trên Sàn Đại Liên tăng 0,6% lên 757,5 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt tại Sàn Singapore tăng thêm 1,01 USD, lên 98,13 USD/tấn. Sự tăng nhẹ này cho thấy thị trường nguyên liệu đầu vào đã có phản ứng tích cực với các chính sách ổn định chuỗi cung ứng từ các nền kinh tế lớn.