Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là khá “rẻ” khi so sánh giữa P/E hiện nay với P/E quá khứ và so với P/E của các thị trường trong khu vực; cùng với đó, lợi suất của thị trường chứng khoán (nghịch đảo P/E) cũng hấp dẫn hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, “rẻ” không có nghĩa là nên mua cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Bởi hiện nay, có 2 vấn đề lớn mà giới đầu tư đang rất lo ngại.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Thứ nhất là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang chậm lại và ngày càng chịu thách thức lớn, không chỉ bởi nền kinh tế Việt Nam đang cảm nhận rõ rệt những sức ép, rủi ro từ thị trường thế giới, nhất là thách thức suy giảm sức mua trên toàn cầu, mà còn bởi nền kinh tế Việt Nam có độ trễ nhiều tháng so với thế giới nên rủi ro vẫn hiện hữu, chẳng hạn như lạm phát nhiều nước trên thế giới có thể đã đạt đỉnh nhưng Việt Nam có thể chưa.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra hồi đầu năm dù thị trường trái phiếu đang “kẹt” vốn còn thị trường cổ phiếu diễn biến tiêu cực, không thuận lợi để doanh nghiệp huy động vốn. Nhìn xa hơn, việc các ngân hàng giải ngân tín dụng "quá trớn" trong năm 2022 có thể khiến Ngân hàng Nhà nước "chặt tay" hơn trong việc cấp hạn mức tín dụng trong năm 2023, chẳng hạn cấp thành nhiều đợt hơn với hạn mức khiêm tốn, thay vì cấp hạn mức cao ngay từ đầu năm.
Nếu tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục chậm lại, giới đầu tư sẽ giảm kỳ vọng vào thị trường và điều này có thể tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu. Thậm chí, nếu lợi nhuận suy giảm, định giá P/E còn có thể tăng lên, tức là thị trường trở nên “đắt” hơn, càng ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Trên thực tế, việc lợi nhuận ròng quý II/2022 của nhóm VN30 suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy kịch bản trên không phải là ít khả năng xảy ra.
Yếu tố thứ hai khiến giới đầu tư lo ngại hơn là tình hình của thị trường trái phiếu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (hay đúng hơn là giới chủ doanh nghiệp) đang trong trạng thái… chờ.
Đầu tiên, họ chờ sự ra đời chính thức của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP sửa đổi. Nôm na, “luật chơi” cũ trên thị trường trái phiếu đã không còn được chấp nhận, họ phải chờ sự ra đời của “luật chơi” mới để tính toán các bước tiếp theo nhằm hạn chế rủi ro.
Sau khi có nghị định mới, nếu phát hành trái phiếu, họ lại chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý. Nếu việc phê duyệt tiếp tục thận trọng như hiện tại, hoặc không được cải thiện nhiều, thời gian chờ của doanh nghiệp sẽ kéo dài và gây nản lòng.
Sau khi được phê duyệt các bước phát hành quan trọng, doanh nghiệp lại phải chờ… bán xong trái phiếu. Vụ Tân Hoàng Minh hẳn nhiên đã khiến nhà đầu tư ngập ngừng hơn khi mua trái phiếu, khiến thời gian bán trái phiếu có thể bị kéo dài ra, thậm chí tỷ lệ phát hành thành công có thể suy giảm đáng kể so với trước đây.
Doanh nghiệp, giới chủ doanh nghiệp liên tục phải…chờ, trong khi thời gian đáo hạn trái phiếu cũ không chờ ai. Giai đoạn 2023 – 2024 là cao điểm đáo hạn trái phiếu, ước tính lên đến trên 500.000 tỷ đồng. Nếu không thể phát hành trái phiếu để dùng tiền “đảo nợ”, giới chủ doanh nghiệp sẽ phải tìm đủ mọi cách để xoay xở nguồn tiền “khổng lồ”, trong đó có cách bán tài sản và một trong các tài sản chính là cổ phiếu. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn lên thị trường cổ phiếu.
Cần lưu ý rằng không dễ dàng để doanh nghiệp/giới chủ doanh nghiệp có thể thoái thác trách nhiệm trả nợ trái phiếu, dù rằng pháp nhân vay nợ là trách nhiệm hữu hạn, nếu nhìn sang câu chuyện của Tân Hoàng Minh. Như vậy, để tìm ra thời điểm thích hợp đầu tư, bên cạnh việc tùy thuộc phong cách đầu tư thì nhà đầu tư cũng cần quan sát các rủi ro, đặc biệt là các động thái trên thị trường trái phiếu.
Anh Khôi (t/h)