Thị trường thuận lợi, xuất khẩu cá tra thêm cơ hội

11/01/2024 - 00:15
(Bankviet.com) Thị trường đang có những tính hiệu tích cực cho thấy cá tra có khả năng phục hồi, nhất là khi sản phẩm cạnh tranh trực tiếp gặp yếu tố… “bất lợi”.
POR17: Thêm doanh nghiệp cá tra được hưởng thuế CBPG 0% khi xuất sang Mỹ Xuất khẩu cá tra tìm đường vượt khó

Tín hiệu sáng từ thị trường

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm khoảng 25% so với năm trước đó.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm về mặt kim ngạch so với năm trước đó. Tuy nhiên, thị trường năm 2024 đang có những tính hiệu tích cực cho thấy cá tra có khả năng phục hồi, nhất là khi các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp gặp yếu tố… “bất lợi”.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) hiện tại, dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… "Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết.

Thị trường thuận lợi, xuất khẩu cá tra thêm cơ hội
Xuất khẩu cá tra có nhiều tín hiệu sáng từ thị trường

Bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc khối kinh doanh Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đánh giá, dù thị trường ngành hàng thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng năm nay gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang có một số tín hiệu tích cực về mặt thị trường cho năm 2024.

Cụ thể, theo bà Thư, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa. Đây là động thái khiến các nhà nhập khẩu bắt đầu quan tâm hơn đến cá tra.

Cùng với đó, thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. Đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2024.

Bên cạnh đó, với kết quả đánh giá tốt về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho cá tra Việt Nam của Cơ quan kiểm dịch và an toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) thấp (dù mới sơ bộ) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2024.

Giải bài toán về con giống, giảm giá thành sản phẩm

Mặc dù thị trường cá tra đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên theo VASEP, các doanh nghiệp cá tra vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe; điều kiện nuôi gặp nhiều bất lợi do biến đổi khí hậu, chi phí giá thành cao…

Trong bối cảnh đó các doanh nghiệp đang tập trung giảm giá thành sản phẩm thông qua nuôi trồng, chế biến bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tập trung nghiên cứu khẩu vị thị trường, đa dạng sản phẩm; đồng thời hướng về thị trường nội địa. Ông Phan Thành Mãi – Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Quốc tế cho biết, sản phẩm cá tra Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu từ những thị trường xuất khẩu và được người tiêu dùng thế giới đón nhận. Tuy nhiên, với thị trường trong nước, doanh nghiệp cần tìm giải pháp để sản phẩm có giá thành phù hợp,

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vùng ươm nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao. Điển hình như dự án nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nam Việt được triển khai tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Với qui mô 600ha, được trang bị công nghệ hiện đại như hệ thống cho ăn tự động giúp giảm chi phí nhân công, hệ thống năng lượng mặt trời để giảm chi phí điện và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt đơn vị còn ứng dụng các giải pháp IoT trong kiểm soát môi trường tự động ao nuôi cá tra thâm canh, nhằm giám sát chất lượng môi trường nước là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh.

Liên quan đến các giải pháp mang tính dài hạn cho ngành cá tra, theo bà Thư, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của cơ quan địa phương và Trung ương để thúc đẩy hỗ trợ giúp 100% hộ nuôi giống, thương phẩm đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi lẽ, đây sẽ là điều kiện để nhiều thị trường nhập khẩu, bao gồm cả Mỹ và EU gia tăng mua hàng.

“Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) yêu cầu vùng nguyên liệu cũng đạt an toàn thục phẩm, thành ra chúng tôi mong muốn có nhiều cơ sở được khuyến khích để đạt chứng nhận, bởi trong tình hình khi thị trường khó khăn, thì sản phẩm an toàn sẽ thuận lợi hơn, dễ mở rộng hợp tác hơn”, bà Thư cho biết.

Thị trường xuất khẩu có tín hiệu khởi sắc giúp giá cá tra nguyên liệu tại nhiều vùng ở An Giang, Đồng Tháp đang tăng trở lại. Tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp), giá cá tra nguyên liệu dao động từ 26.000 - 26.500 đồng/kg với kích cỡ từ 800g - 1,1kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với tuần trước.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương