Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện từ quý II/2023

24/11/2023 - 02:33
(Bankviet.com) Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu cải thiện từ quý II/2023.

Số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, từ đầu năm đến ngày công bố thông tin 17/11, doanh nghiệp phát hành hơn 233.000 tỷ đồng trái phiếu, song phải chi ra tới gần 201.000 tỷ để mua lại trái phiếu trước hạn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện từ quý II/2023

Trong tháng 11/2023 (tính đến ngày công bố thông tin 17/11/2023), có tổng cộng 8 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị hơn 13.776 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,7%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 233.719 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 11.6% tổng giá trị phát hành) và 189 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 206.649 tỷ đồng (chiếm 88.42% tổng số).

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 200.907 tỷ đồng, tăng 13.7% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 86% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 47.1% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 94.640 tỷ đồng).

Từ nay đến cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 35.658 tỷ đồng. 39% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 14.031 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 7.030 tỷ đồng (chiếm 20%).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường TPDN đã có dấu hiệu cải thiện từ quý II/2023. Sự hồi phục tích cực của thị trường TPDN là cộng hưởng của cả các chính sách quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường.

Cụ thể, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ TPDN nói riêng…

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP để tạm hoãn thi hành một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP để DN có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.

Đặc biệt, từ ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chính thức hoạt động, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ DN như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường TPDN vẫn chưa có sự bứt phá, doanh nghiệp chủ yếu phát hành TPDN để đảo nợ, lượng TPDN mua lại trước hạn tăng mạnh. Dự báo, năm 2024 vẫn là năm khó khăn của thị trường TPDN.

Hé lộ danh tính nhà đầu tư rót 350 triệu USD mua trái phiếu chuyển đổi của Thaco

Đơn vị đứng sau thương vụ mua lô trái phiếu “khủng” của Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chẳng phải ai xa lạ mà chính là ...

"Ông trùm" của Vinamilk và REE mạnh tay đầu tư 350 triệu USD vào trái phiếu của THACO

Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage hiện đang là cổ đông lớn tại Công ty CP Cơ điện lạnh (tỷ lệ sở hữu 34,5%), THACO ...

Hé lộ loạt doanh nghiệp, ngân hàng liên quan vụ lừa bán trái phiếu Tân Hoàng Minh

Liên quan đến vụ án lừa bán trái phiếu Tân Hoàng Minh, một số cá nhân tại ngân hàng được cho là đã tham gia ...

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán