Thị trường vàng dần ổn định sau các biện pháp quyết liệt của Chính phủ

16/08/2024 - 12:59
(Bankviet.com) Chính phủ can thiệp để ổn định thị trường vàng Việt Nam thông qua điều chỉnh giá và quản lý giao dịch, nhưng cần giải pháp dài hạn để duy trì ổn định.
Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ Thu thập thông tin người mua bán vàng miếng: Tiền sạch, mua bán công khai, minh bạch có gì phải lo? Mua vàng miếng SJC đã khó, nay lại mất thời gian

Thời gian qua, thị trường vàng tại Việt Nam đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, gây ra nhiều lo ngại cho cả người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Giới chuyên gia chỉ ra rằng giá vàng thế giới và trong nước liên tục lập đỉnh mới là do nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC).

Ngoài ra, các biến động về địa chính trị cũng như leo thang quân sự đã khiến nhiều ngân hàng trung ương đã chọn cách mua và dự trữ vàng vật lý nhiều hơn. Diễn biến này còn kích hoạt "làn sóng" gom vàng của các nhà đầu tư, bởi họ luôn cho rằng vàng là hầm trú ẩn an toàn chống lạm phát và chống khủng hoảng.

Để ứng phó với những diễn biến của thị trường vàng, Chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp quyết liệt nhằm ổn định thị trường vàng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, và duy trì trật tự kinh tế. Những biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu những biến động bất lợi mà còn hướng tới việc xây dựng một môi trường giao dịch vàng minh bạch và công bằng.

Một trong những biện pháp quan trọng nhất được Chính phủ triển khai là sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và Công ty SJC (Sài Gòn Jewelry) nhằm cung cấp vàng ra thị trường theo mức giá được quy định bởi Ngân hàng Nhà nước.

Điều này không chỉ giúp kiểm soát giá vàng mà còn giảm đáng kể chênh lệch giá vàng miếng giữa thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể, chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới đã được thu hẹp đáng kể, tạo kết quả đáng ghi nhận và có ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ hệ thống thị trường vàng.

Lấy ví dụ, ngày 15/8, giá vàng SJC ở mức 78 triệu đồng/lượng mua vào và 80 triệu đồng/lượng bán ra. So với thời điểm tăng vọt lên mức lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng mua vào ngày 11/5, giá vàng trong nước đã giảm mạnh hơn 14 triệu đồng sau chưa đầy 3 tháng qua.

Bên cạnh đó, giá thị trường vàng quốc tế đang neo ở ngưỡng 2.454 USD/ounce, quy đổi ra khoảng 74,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng Việt Nam, chênh lệch trên 3 triệu đồng. Trong khi ở những thời điểm diễn biến "nóng" nhất, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới có thể đạt hơn 12 triệu đồng.

Thị trường vàng dần ổn định sau các biện pháp quyết liệt của Chính phủ
Nguồn cung dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người dân và nhà đầu tư. (Ảnh: Baophapluat.vn)

Đó là những thành công không thể phủ nhận của Chính phủ trong việc kiểm soát sự tăng nóng trên thị trường vàng thời gian qua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: “Mặc dù các biện pháp ngắn hạn và quyết tâm của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì trật tự thị trường vàng, nhưng thị trường này vẫn cần các giải pháp dài hạn và bền vững hơn. Việc phát triển các sản phẩm tài chính liên quan đến vàng là cần thiết để đa dạng hóa công cụ đầu tư và giảm phụ thuộc vào vàng vật chất. Tham gia vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế về vàng cũng sẽ giúp học hỏi kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả quản lý”.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng có chung quan điểm, cho rằng một chiến lược quản lý toàn diện là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự ổn định cho thị trường vàng và góp phần vào sự phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước. Việc xây dựng một hệ thống quản lý thị trường vàng hiệu quả không chỉ giúp duy trì sự ổn định của thị trường mà còn tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và bền vững cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Yến Thư

Theo: Báo Công Thương