Thiết kế sinh thái thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

26/08/2024 - 08:35
(Bankviet.com) Để triển khai kinh tế tuần hoàn thành công, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thiết kế sinh thái là công cụ góp phần tạo ra các sản phẩm bền vững.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua thiết kế sinh thái Thiết kế sinh thái: Thiếu cơ chế khuyến khích Xuất khẩu dệt may có khả năng chịu tác động sau quy định mới của EU

16% doanh nghiệp biết đến thuật ngữ "Thiết kế sinh thái"

Thiết kế sinh thái (TKST) là cách tiếp cận chủ động trong quá trình phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ theo hướng giảm thiểu tác động môi trường trong suốt vòng đời (từ giai đoạn lựa chọn nguyên vật liệu đến thải bỏ), tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tác động môi trường thấp nhất có thể.

Ông Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế -Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - đánh giá: Thiết kế sản phẩm phù hợp có thể giúp giảm 80% tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm.

Thiết kế sinh thái thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Thiết kế sản phẩm phù hợp có thể giúp giảm 80% tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm

Hiện, Việt Nam đã có hệ thống chính sách để can thiệp các khâu từ sản xuất (cải tiến quy trình để giảm tác động môi trường), tiêu dùng (khuyến khích thay đổi hành vi), thải bỏ (quản lý chất thải). Định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) cũng đã được khẳng định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030…

Tuy nhiên, TKST tại Việt Nam hiện chưa có các quy định, mô hình cụ thể. Tính đến hiện tại, chỉ có quy định về TKST mang tính định hướng được nêu trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 về xây dựng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất bền vững, thiết kế bền vững, TKST, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành sản xuất…

Hiện, mới có tiêu chuẩn Việt Nam ISO 14006:2013 (Hệ thống quản lý môi trường. Hướng dẫn để hợp nhất TKST) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này mới dừng ở mức quy định cho hệ thống quản lý môi trường tại các doanh nghiệp nhằm thực hiện TKST, chưa phải các tiêu chuẩn về phương pháp thực hiện và đánh giá TKST của sản phẩm.

Do đó, các doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn đều đang phải tự “dò đường đi” trong lộ trình thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ông Hoàng Thành Vĩnh - UNDP Việt Nam cho biết: Theo kết quả khảo sát của UNDP Việt Nam thực hiện TKST tại 180 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, bao bì, nhựa, thực phẩm và đồ uống cho thấy, có rất ít đơn vị quan tâm đến khía cạnh phát triển sản phẩm bền vững. Trong số các doanh nghiệp phản hồi, chỉ 16% doanh nghiệp biết đến thuật ngữ “TKST”.

Liên quan đến giai đoạn thiết kế sản phẩm, 29% chỉ thực hiện gia công sản phẩm (chủ yếu thuộc nhóm ngành dệt may và bao bì), 71% có thực hiện thiết kế sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp thực hiện thiết kế, 50% doanh nghiệp có xem xét đến các yếu tố bền vững, môi trường như sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, giảm số lớp hoặc trọng lượng bao bì. Điều này cho thấy, nhận thức và nhu cầu để hướng đến thiết kế theo hướng bền vững hơn, thân thiện hơn đang ngày càng gia tăng.

3 nhóm giải pháp cho thúc đẩy thiết kế sinh thái

Theo ông Hoàng Thành Vĩnh, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và hiện trạng tại Việt Nam, chúng tôi đã đưa ra 3 nhóm hoạt động cần triển khai trước mắt và trong trung hạn để thúc đẩy thiết kế sinh thái.

Trước hết, cần tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Hiện, TKST thài có khá mới ở Việt Nam do vậy nhận thức về vấn đề nàu chưa đầy đủ và đồng bộ giữa các cấp, các ngành sẽ tạo ra những khác biệt trong hành động giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng chính sách, cũng như khoảng cách giữa mục tiêu chính sách và những thay đổi trên thực tế của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thiết kế sinh thái thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Thiết kế sản phẩm phù hợp sẽ mang lại lợi ích lâu dài về xã hội, môi trường và kinh tế. Ảnh: M.H

Đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cần làm rõ những lợi ích lâu dài cả về môi trường và kinh tế trong việc thực hiện KTTH, TKST. Thúc đẩy tư duy về toàn bộ vòng đời sản phẩm để doanh nghiệp nhìn nhận toàn diện hơn về tác động môi trường của sản phẩm, từ đó, nhận diện nhiều cơ hội để lựa chọn các giải pháp can thiệp.

Đối với người tiêu dùng, cần thúc đẩy truyền thông nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường. Khuyến khích hành vi tiêu dùng theo các nguyên tắc của TKST (sử dụng sản phẩm có vòng đời dài hơn, tận dụng, tái chế các sản phẩm cũ, thải bỏ sản phẩm một cách có trách nhiệm…). Hướng dẫn người tiêu dùng tìm hiểu thông tin sản phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu đặt ra.

Tiếp theo, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách về thiết kế sinh thái. Việc xây dựng và ban hành qui định về TKST cần có lộ trình cụ thể để áp dụng cho từng nhóm sản phẩm, nên tập trung vào các nhóm sản phẩm trọng điểm. Tại Việt Nam, một số lĩnh vực nên ưu tiên thực hiện TKST bao gồm bao bì, thực phẩm và đồ uống, dệt may, đồ gia dụng, công trình xây dựng, điện tử.

Lộ trình áp dụng TKST bắt đầu từ các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn cần dẫn đầu thực hiện TKST giúp định hướng thị trường, dẫn dắt các chuỗi cung ứng và tạo lực đẩy cho sự thay đổi.

Bên cạnh các tiêu chí bắt buộc do Chính phủ quy định, cần xem xét vận hành một cơ chế thị trường để các tổ chức thu gom, tái chế và các nhà sản xuất có thể tự tổ chức TKST.

Ngoài các quy định về TKST, cần thúc đẩy và hoàn thiện các quy định về “Mua sắm công xanh”, trong đó, lồng ghép các tiêu chí đánh giá sản phẩm TKST, tiêu chí môi trường. Điều này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng TKST, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bền vững hơn.

Cuối cùng, thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó áp dụng TKST và xây dựng cơ sở dữ liệu. Theo đó, các mô hình thí điểm về KTTH, áp dụng các TKST là cơ hội để thử nghiệm và đánh giá tính khả thi của các giải pháp TKST và các tác động của TKST đến môi trường và xã hội. Đây là bước tiền đề cho quá trình triển khai, phổ biến các giải pháp về TKST và đưa ra các khuyến nghị chính sách để nhân rộng.

Việc thúc đẩy áp dụng các mô hình KTTH, trong đó đưa ra các giải pháp can thiệp từ giai đoạn thiết kế, hướng đến TKST là hết sức cần thiết”- ông Vĩnh khẳng định.

Bên cạnh đó, cần có một cơ sở dữ liệu về thực hiện KTTH, TKST, định kỳ cập nhật để chia sẻ thông tin, dữ liệu, công cụ hỗ trợ đo lường, đánh giá việc thực hiện.

Việt Nam đang trong xu thế chung về phát triển bền vững của thế giới, dù việc thể chế hóa định hướng phát triển KTTH muộn hơn so với các quốc gia phát triển. Việc ban hành các quy định về TKST cũng cần được triển khai theo các giai đoạn bảo đảm phù hợp với khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chính sách bổ trợ sẽ đóng vai trò không thể thiếu đối với sự thành công của thực hiện TKST tại Việt Nam, như ban hành chính sách về “Mua sắm công xanh” hay cải tiến chương trình “Nhãn sinh thái”.

Để thúc đẩy TKST, các giải pháp cần đồng bộ. Ngoài chính sách và quy định, việc nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các bên liên quan, đặc biệt là khối doanh nghiệp và việc xây dựng cơ sở dữ liệu, các mô hình tuần hoàn cần được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2-3 năm tới”- ông Vĩnh khuyến nghị.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương