Thời điểm thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư sang Liên bang Nga

20/08/2024 - 22:04
(Bankviet.com) Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư vào Liên bang Nga trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống, thủy sản.
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên bang Nga Bộ Nội vụ tham dự Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần thứ 2 tại Liên bang Nga Nga rơi máy bay ném bom siêu thanh, một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng

Kim ngạch thương mại tiếp đà tăng trưởng

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt 2,74 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, tăng 46,4%; nhập khẩu đạt 1,38 tỷ USD, tăng 44,6%. Thâm hụt thương mại với Liên bang Nga đạt khoảng 13 triệu USD.

Trong 7 tháng năm 2024, nhiều nhóm hàng xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao như: Hàng thủy sản đạt 116,7 triệu USD (tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023); gạo đạt 4,7 triệu USD (tăng 92,6% về giá trị và 61% về khối lượng); bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt 18,1 triệu USD (tăng 116%); hàng dệt may đạt 458,9 triệu USD (tăng 95,7%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,2 triệu USD (tăng 75%); hạt tiêu đạt 15,7 triệu USD (tăng 98,4% về giá trị, tăng 48,2% về khối lượng); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 141,1 triệu USD (tăng 91%).

Thời điểm thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư sang Liên bang Nga
7 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Liên bang Nga tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa

Ngoài ra, trong 7 tháng năm 2024, mặt hàng sắt thép các loại đạt 697,9 triệu USD (tăng 166% về giá trị và 240% về khối lượng); hạt tiêu đạt 15,7 triệu USD (tăng 60%)... Tuy nhiên, các mặt hàng này giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2024. Mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù trong 7 tháng đầu năm đã tiếp tục đà phục hồi đạt 10,7 triệu USD (tăng 27,3%)...

Song, xuất khẩu mặt hàng giày dép các loại tiếp tục duy trì xu hướng giảm từ đầu năm 2024 so với kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2023, đạt 6,1 triệu USD (giảm 52,6%); sản phẩm gốm sứ đạt 826 ngàn USD (giảm 33%). Tình trạng tương tự đối với mặt hàng chè nhưng tỷ lệ giảm thấp hơn, đạt 6,5 triệu USD (giảm 7,8%); sản phẩm từ cao su đạt 4,7 triệu USD (giảm 20,2%).

Chiều ngược lại, trong 7 tháng năm 2024, phân bón tiếp tục đứng đầu danh sách tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga cả về giá trị (đạt 165,5 triệu USD, tăng 325%) và khối lượng (đạt 364 ngàn tấn, tăng gần 400%) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số đó, than các loại đạt 657 triệu USD (tăng 46,4% về giá trị và 68% về khối lượng); hóa chất đạt 54,1 triệu USD (tăng 83,8%); giấy các loại đạt 6,6 triệu USD (tăng 173,6%); linh kiện phụ tùng ô tô đạt 16,7 triệu USD (tăng 162%); phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 3,6 triệu USD (tăng 98,4%). Sản phẩm lúa mì tiếp tục đà tăng trưởng so với 6 thang/2024, đạt 26,8 triệu USD, tăng 93,1% về giá trị và 78,2% về khối lượng, cùng kỳ năm 2023 ta không nhập khẩu lúa mì.

Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, hàng thủy sản tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong các tháng vừa qua, đạt 64,1 triệu USD (giảm 11,1%); sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 988 ngàn USD (giảm 47,2%); dây điện, dây cáp điện tiếp tục giảm mạnh, đạt 146 ngàn USD (giảm 70,6%); sản phẩm hóa chất đạt 1,1 triệu USD (giảm 24,7%). Sắt thép các loại đạt 177 ngàn USD, tăng 109% so với 6 tháng năm 2024, giảm 82,7% so với 7 tháng năm 2023.

Thời điểm thuận lợi để thúc đẩy hợp tác, đầu tư

Phân tích những thuận lợi, cơ hội cho hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Liên bang Nga trong bối cảnh hiện nay, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh cho biết, với nỗ lực chung của cả hai bên, một số khó khăn đã từng bước được giải quyết như vận tải biển (tuyến Vladivostok - Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh), vận tải đường sắt (tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga)...

Đáng chú ý, từ ngày 4/6/2023, Hãng hàng không IAERO của Liên bang Nga thực hiện chuyến bay trực tiếp giữa Nga (thành phố Irkusk) và Việt Nam (Hà Nội) bằng máy bay của Nga 2 chuyến/tuần. Đường bay trực tiếp giữa Matxcơva và TP. Hồ Chí Minh hai nước đã được nối lại từ cuối tháng 1/2024. Cùng với đó, hiện nay, Liên bang Nga và Việt Nam đã nới lỏng các quy định về visa cho công dân của nhau (từ ngày 1/8/2023 công dân Việt Nam đã có thể xin visa điện tử vào Nga, từ ngày 15/8 người Nga có thể lưu trú tại Việt Nam đến 45 ngày miễn visa)... những thuận lợi này đã và đang tạo ra những cơ hội để Việt Nam - Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch.

Thời điểm thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư sang Liên bang Nga
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước đang đứng trước các thử thách rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Cũng theo Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh, Việt Nam và Liên bang Nga là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của Nga để phục vụ sản xuất và tiêu dùng (than đá, kim loại, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, thiết bị máy móc, thực phẩm, thủy sản, gỗ…). Trong khi đó, Liên bang Nga nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, giày, hàng điện tử, thiết bị máy móc, hàng tiêu dùng...

Không những vậy, kinh tế hai nước được dự báo tăng trưởng khá trong năm 2023 và các năm tới. GDP của Việt Nam được dự báo tăng khoảng 6-6,5%, của Nga tăng 3,6% trong năm 2023 và dự báo sẽ tăng khoảng 3% trong năm 2024. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga đã tạo ra khoảng trống trên thị trường. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư vào Liên bang Nga trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống, thủy sản, may mặc, sản xuất đồ gỗ, đồ gia dụng…

Tuy nhiên, Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh cho rằng, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước đang đứng trước các thử thách rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các cơ quan chức năng cả hai bên đã có nhiều nỗ lực nhưng kim ngạch thương mại song phương giảm sâu, phục hồi chậm, nhiều dự án đầu tư song phương gặp khó khăn trong triển khai cả ở Việt Nam và Liên bang Nga.

Đứng trước thách thức này, Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh cho rằng, các doanh nghiệp Nga cần vận dụng ưu đãi do các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam mang lại, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA); cùng với đó, tăng cường đầu tư sản xuất các sản phẩm Nga có thế mạnh tại Việt Nam để xuất khẩu ngược về Nga và các nước SNG hoặc sang các thị trường khác mà Việt Nam có FTA.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, Thương vụ khuyến cáo, để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại Liên bang Nga, các doanh nghiệp nên trực tiếp tham dự trưng bày sản phẩm hoặc tham quan các triển lãm chuyên ngành lớn của Liên bang Nga. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công sau khi tham dự triển lãm.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh các cuộc xung đột địa chính trị gia tăng, Thương vụ khuyến cáo, các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu/kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ), đặc biệt là các đối tác tìm được trên môi trường Internet, để tránh gặp các trường hợp lừa đảo. Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.

Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh khẳng định, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga sẵn sàng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại tại thị trường Nga.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương