Thách thức tăng trưởng tiêu dùng 12%
Phát biểu tại Tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước” do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) Tạp chí Nhà đầu tư/ Nhadautu.vn đã tổ chức sáng ngày 25/4, ông Phạm Đức Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/ Nhadautu.vn nhấn mạnh: “Mặc dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ đã được tạm hoãn 90 ngày nhưng những diễn biến này đe doạ đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam và đặt ra vấn đề cấp bách là làm sao để củng cố một cách căn bản thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng cường sức chống chịu trước những biến động toàn cầu…”.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với ba phần chính đóng góp là: tiêu dùng nội địa; xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60-65% tùy từng năm.
“Để đạt tăng trưởng GDP như vậy, tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức!”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo đại diện Cục Phát triển thị trường trong nước, qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19.
Ngoài ra, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tiêu dùng 12%, theo đại diện Cục Phát triển thị trường trong nước, có một số thách thức cần giải quyết.
Đó là: Nhu cầu tiêu dùng chưa ổn định; Áp lực cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu và các sản phẩm từ thị trường khu vực; Rủi ro chuỗi cung ứng; Hạn chế về chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Đặc biệt thách thức từ năng lực doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy là lực lượng quan trọng, nhưng hiện gặp khó khăn về công nghệ, vốn và khả năng tiếp cận thị trường.
“Những thách thức này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, vừa mang tính cấp bách để kích cầu, vừa mang tính dài hạn để phát triển thị trường bền vững... “- Phó Cục trưởng Bùi Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Tăng tín dụng tiêu dùng nội địa
Nhấn mạnh đến vai trò của tiêu dùng nội địa đối với tăng trưởng GDP, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết: Nếu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 là gần 4,4 triệu tỷ đồng thì con số này đến năm 2024 đã đạt 6,39 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.
Tỷ trọng tiêu dùng nội địa đang dần đa dạng hơn, nhưng bán lẻ vẫn là trụ cột với gần 80% tổng mức chi tiêu. Từ năm 2018 trở lại đây, tỷ trọng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm trên 50% GDP cả nước.
“Các con số đó cho thấy tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng GDP”- ông Thắng nhấn mạnh.
Phân tích chính sách thuế quan của Mỹ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi, đại diện đến từ ngân hàng cho rằng: “Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt”.
Đồng thời cho biết, trong năm 2024, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng thường chiếm tỷ lệ 12-15% trong tổng tín dụng cả nước. Năm 2024, GDP danh nghĩa của Việt Nam đạt 11,51 triệu tỷ đồng, trong khi đó chi tiêu hộ gia đình là 6,2 triệu tỷ đồng và dư nợ cho vay tiêu dùng là 2,89 triệu tỷ đồng..
“Tín dụng tiêu dùng ngày càng đóng vai trò lớn trong tiêu dùng hộ gia đình. Chi tiêu hộ gia đình vẫn tăng, nhưng tỷ trọng so với GDP lại đang giảm cho thấy người dân dường như có xu hướng chi tiêu ít hơn so với quy mô của nền kinh tế, không đi cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP. Tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều, tuy nhiên tốc độ tăng dư nợ cho vay tiêu dùng đang chậm lại”, đại diện Eximbank phân tích.
Số liệu cho thấy, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng/tổng dư nợ toàn nền kinh tế cũng giảm. Tổng dư nợ năm 2023 là gần 15%, nhưng đến năm 2024 tỷ trọng này lại giảm về còn 12%.
‘Nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu mà thiếu sức cầu nội địa ổn định sẽ dễ bị "tổn thương" trước các "cú sốc toàn cầu". Cú sốc này cũng được thể hiện ở thị trường vốn và thị trường tiêu dùng nội địa…”- ông Thắng phát biểu.
Trong giai đoạn 2019–2024, dữ liệu cho thấy khoảng cách tăng trưởng giữa chi tiêu hộ gia đình và tín dụng tiêu dùng – không chỉ về độ lớn mà còn về nhịp điệu tăng trưởng và khả năng cộng hưởng.
Khoảng cách tăng trưởng này là chỉ báo rủi ro dài hạn. Nếu chỉ “bơm” tín dụng tiêu dùng mà không có các giải pháp thực chất để tăng thu nhập và niềm tin tiêu dùng, thì dòng tín dụng sẽ không phát huy hết tác dụng lan tỏa đến kinh tế thực.
Đồng thời, khi tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình yếu, toàn bộ nền kinh tế mất đi “trụ đỡ” quan trọng, tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu – vốn dễ tổn thương trước biến động toàn cầu.
Với mức chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm trên 53–57% GDP Việt Nam, theo ông Thắng, điều này cho thấy cầu nội địa là động lực chính của tăng trưởng. Tín dụng tiêu dùng tạo đòn bẩy tài chính giúp hộ gia đình mua sắm, nâng cấp nhà cửa, xe cộ, học hành… sớm hơn, từ đó kích cầu sản xuất và dịch vụ. Khi người dân vay tiêu dùng để mua hàng hóa – dịch vụ, các ngành như bán lẻ, điện tử, nội thất, du lịch, giáo dục, y tế đều được hưởng lợi.
Về các giải pháp tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nội địa, đại diện Eximbank đề xuất cần phát triển sản phẩm thông qua các gói vay nhỏ - linh hoạt - không tài sản đảm bảo phục vụ các nhu cầu chi tiêu thực: mua đồ gia dụng, học phí, du lịch nội địa, chăm sóc sức khỏe...
Bên cạnh đó, mở rộng tín dụng tiêu dùng xanh/số như: vay mua xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiêu dùng bền vững; Tăng cường cho vay tiêu dùng qua kênh đối tác (BNPL, fintech, thương mại điện tử…) để tiếp cận khách hàng trẻ và số hóa.
Ngoài ra, cần kiểm soát rủi ro và chi phí, điều chỉnh room tín dụng theo hướng ưu tiên cho vay tiêu dùng phục vụ sản xuất và tiêu dùng thiết yếu; Tối ưu mô hình chấm điểm tín dụng cá nhân (credit scoring) để kiểm soát nợ xấu mà vẫn mở rộng được tệp khách hàng; Đẩy mạnh tái cấu trúc nợ, giãn nợ có kiểm soát để hỗ trợ người dân trong giai đoạn tài chính khó khăn; Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử để triển khai các chương trình khuyến mãi trả góp 0%, combo hàng – vay tiêu dùng; Tăng cường tài chính tiêu dùng tại vùng nông thôn, khu công nghiệp, nơi nhu cầu vay cao nhưng độ phủ tín dụng còn hạn chế; Kết hợp chính sách kích cầu nội địa của Chính phủ (thuế, tiêu dùng xanh, hỗ trợ mua hàng nội) với các gói vay ưu đãi…
Cùng với tín dụng, thuế cùng là giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, quan trong nhất trong chính sách hiện nay là đảm bảo các mức thuế công bằng, bình đẳng và thống nhất.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Cúc đưa ra 4 đề xuất.
Thứ nhất, về chính sách Thuế Tiêu thụ đặc biệt, đề xuất với mặt hàng rượu bia, theo phương án lùi thời gian áp dụng, thay đổi biểu thuế từ năm 2027 và tăng từ 5% năm 2027, năm sau thêm 5%, tránh gây cú shock về thuế cho doanh nghiệp.
Thứ hai, về Thuế Giá trị gia tăng, đề xuất giảm 2% cho 6 tháng cuối năm áp dụng cho tất cả các nhóm đang chịu thuế 10%, là đầu vào của tất cả các ngành nghề nên giảm đồng đều.
Thứ ba là thuế với hộ kinh doanh cá nhân nên giảm hoặc miễn hoặc để mức rất thấp. Còn những hộ kinh doanh có doanh thu lớn thì áp dụng như doanh nghiệp để khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và có chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, chúng ta đang dự thảo sửa luật thuế TNCN nhưng nên cân nhắc, tính tới thay đổi thu nhập tính thuế tiền công, tiền lương, kinh doanh. Theo đó cần tính toán lại phần thu nhập tính thuế/tháng.
Ví dụ hiện nay, với mức trên 80 triệu/tháng phải chịu mức thuế suất tới 35%. Đề xuất nên tăng phần thu nhập tính thuế/tháng theo các bậc, để mức thuế suất 35% chỉ áp dụng cho phần thu nhập tính thuế/tháng phải trên 200-300 triệu đồng…
“Thị trường trong nước rõ ràng là câu chuyện được bàn nhiều năm nay, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây đang là vấn đề thời sự. Để phát triển thị trường nội địa nhất thiết phải có giải pháp đồng bộ, từ chính sách đối với tín dụng tiêu dùng, chính sách về thuế (trước mắt là các dự luật thuế Quốc hội xem xét ngay tới đây), việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối, nâng cấp kết cấu hạ tầng... Các giải pháp này sẽ được Ban tổ chức tổng hợp để gửi các cơ quan chức năng…”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VAFIE cho hay.
“Việt Nam là nước có 100 triệu dân, là một thị trường hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta nói nhiều về thị trường trong nước nhưng ít quan tâm đến chính sách thị trường trong nước.
Cách đây 15 năm là ưu tiên hàng Việt Nam, cách tiếp cận như vậy giờ không thích hợp. Ví dụ, ở Nhật Bản, hàng tốt nhất là người Nhật tiêu dùng, như thế họ mới cố gắng sản xuất tốt hơn nữa. Tóm lại, nên thay đổi cách tiếp cận, ưu tiên hàng Việt Nam bằng cách khuyến khích việc sản xuất cho người Việt Nam sử dụng sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý…”
GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch danh dự VAFIE
Thanh Thanh