Thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Thủ tướng được áp dụng quy định khác luật khi cấp bách

23/02/2025 - 01:52
(Bankviet.com) Với 463/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,86% tổng số đại biểu Quốc hội, sáng nay (ngày 18/2), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Theo Luật mới này, Thủ tướng đã được trao thêm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác với quy định của pháp luật hiện hành trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia.
luat-to-chuc-cp-sua-doi.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 5 Chương, 32 Điều. Theo đó, về vị trí, chức năng của Chính phủ, Luật quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Luật quy định tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới. Tổ chức bộ máy hành chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan cấp trên.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, Luật quy định trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, Thủ tướng quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác với quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất.

Luật cũng cho phép Chính phủ khi có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện giải pháp khác với quy định của luật, nghị quyết, pháp lệnh hiện hành. Điều này áp dụng trong trường hợp cần huy động các nguồn lực để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Sau đó, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương. Ngoài cơ chế giám sát thông qua bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Luật quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ "chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý".

Luật cũng quy định thẩm quyền của Thủ tướng trong việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng có thể trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của các chức danh này.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng đã phân định thẩm quyền của Thủ tướng và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phân công của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý.

Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ; lãnh đạo công tác của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, không quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cơ quan nhà nước ở trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, hợp tác với chính quyền địa phương trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết vùng trong phát triển kinh tế xã hội.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025. Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14 và Luật số 20/2023/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ