Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu trên các thị trường lớn của thế giới giảm trong phiên giao dịch chứng kiến nhiều “trồi sụt”. Thông tin dự trữ xăng và dầu tăng cao không khỏi ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 66 cent tương đương 0,8% xuống 77,59 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent biến động tăng giảm hơn 1 USD.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai giảm 51 cent tương đương 0,7% xuống 72,19 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố nhu cầu nhiên liệu thấp và tồn kho cao. Thông tin này lập tức gây sức ép lên giá dầu.
Dự trữ xăng tăng 10,9 triệu thùng lên 237 triệu thùng, mức tăng tính theo tuần cao nhất trong hơn 30 năm.
Chủ tịch quỹ Ritterbusch and Associates LLC, ông Jim Ritterbusch, khẳng định trong thời gian tới giá dầu khó tăng cao bởi triển vọng nhu cầu thấp: “Diễn biến tình hình thời tiết khu vực Đông Bắc cho thấy thời tiết ấm kéo dài, chính vì vậy nhu cầu các loại nhiên liệu sưởi ấm khó tăng cao”.
Tuy nhiên, số liệu của EIA cho thấy dự trữ tồn kho dầu thô trong tuần hạ 5,5 triệu thùng, phần lớn sự sụt giảm này có nguyên nhân từ việc hoạt động vận chuyển trên khu vực Biển Đỏ bị gián đoạn, Giám đốc bộ phận năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho – ông Bob Yawger phân tích.
“Tình hình trên Biển Đỏ đã khiến cho nhiều doanh nghiệp vận chuyển năng lượng cũng như bên có nhu cầu mua năng lượng chuyển hướng sang Mỹ chứ không gửi tàu đi qua khu vực này”, ông Yawger chỉ ra.
Những mối lo về vấn đề vận tải hàng hóa trong khu vực này vẫn tồn tại dai dẳng sau khi phiến quân Houthi được cho là ủng hộ bởi Iran vào ngày thứ Tư khẳng định họ đã nhắm đến một con tàu công ten nơ đang hướng đến Israel.
Giá dầu cũng chịu ảnh hưởng bởi những thông tin kinh tế không mấy tích cực. Hoạt động sản xuất khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 12/2023 sụt giảm. Tỷ lệ lạm phát tại Đức tăng, thực tế này nhiều khả năng sẽ khiến cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ủng hộ việc duy trì lãi suất ở mức ổn định thêm một thời gian nữa.
Bên cạnh đó bất chấp những tác hại đối với môi trường, gần đây, nước Mỹ đã tăng quy mô sản xuất và vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, theo New York Times (NYT) đưa tin.
Theo tính toán của NYT, ở thời điểm tháng 12/2023, nước Mỹ đang sản xuất 13,2 triệu thùng dầu/ngày - mức kỷ lục. Mức sản lượng này cao hơn 800.000 thùng so với mức sản lượng ở thời điểm đầu năm 2022.
Sự tăng trưởng của ngành khai thác các sản phẩm dầu có nguyên nhân trực tiếp từ quan điểm chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Gần đây, Tổng thống Biden đã chấp thuận cho các dự án khai thác tại Alaska và vịnh Mexico.
Những quyết định này dường như trái ngược với những nỗ lực bảo vệ môi trường mà ông từng nói đến. Trước đó, ông Joe Biden từng tuyên bố về việc ngăn việc phát triển thêm các dự án khai thác dầu ở Alaska và lên kế hoạch đầu tư khoảng 7 tỷ USD vào nhiên liệu hydro.
Sản xuất dầu tại Mỹ được điều chỉnh tăng quy mô diễn ra cùng lúc với nhóm các nước OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng dầu.
Đăng Tuấn