Là một phần mềm thảo luận trực tuyến mới đi vào hoạt động nhưng ChatGPT lập tức thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Lợi dụng điều này, một số đối tượng chống phá, phản động đã khai thác những hạn chế của ChatGPT để biến thành phương tiện lan truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Ðây là một thủ đoạn mới cần kịp thời nhận diện, ngăn chặn, góp phần bảo đảm sự lành mạnh trên môi trường mạng và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Biểu tượng công cụ ChatGPT do Công ty OpenAI phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mới chỉ ra mắt vào tháng 11/2022, tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, ChatGPT - ứng dụng phần mềm dùng để quản lý một hệ thống thảo luận trực tuyến do Công ty OpenAI của Mỹ phát triển đã lập tức tạo thành cơn sốt trên toàn thế giới. Chỉ sau 40 ngày kể từ khi chính thức ra mắt, ChatGPT vượt mốc 10 triệu người dùng, một con số mà trước đó Instagram phải cần đến 355 ngày mới có thể đạt được. Sự hứng thú của người dùng đối với ứng dụng này được lý giải là bởi sự hồi đáp nhanh chóng và lưu loát trên nhiều lĩnh vực, khả năng tổng hợp, huy động khối lượng kiến thức khổng lồ. Do đó, nếu như trước kia nhiều người vẫn quen dùng Google để tra cứu thông tin thì nay đã chuyển sang sử dụng ChatGPT. Thậm chí, phần mềm này còn có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng như làm thơ, viết truyện, viết các bài luận,…
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, ChatGPT tồn tại không ít hạn chế, cụ thể là nội dung các câu trả lời có độ chính xác không đồng đều về dữ kiện thực tế. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp nội dung hồi đáp của GPT bị sai lệch, vô căn cứ. Nguyên nhân là bởi giống như nhiều chatbot AI khác, ChatGPT có nhược điểm lớn là không biết chính xác thông tin đưa ra dựa trên dữ liệu tổng hợp từ internet có đúng hay không.
Chính Công ty OpenAI cũng đưa ra cảnh báo đối với người dùng rằng: "Các câu trả lời bạn nhận được nghe hợp lý và thậm chí có căn cứ, nhưng chúng có thể hoàn toàn sai". Thực tế đến nay, sau 5 tháng vận hành, từ những điểm yếu mà ChatGPT bộc lộ trên thực tế, nhiều chuyên gia đã hết sức lo lắng về việc ChatGPT có thể tạo ra thông tin sai lệch với quy mô lớn và tần suất thường xuyên hơn so với những công cụ AI thế hệ trước.
Giáo sư Arvind Narayanan hiện đang giảng dạy tại Khoa học máy tính của Ðại học Princeton (Mỹ) bình luận: "Ðiều nguy hiểm là bạn không thể biết khi nào ChatGPT trả lời sai, trừ khi bạn đã biết trước câu trả lời". Vị giáo sư này đã hỏi ChatGPT một số câu hỏi cơ bản về bảo mật thông tin mà ông đã cho sinh viên làm trong một kỳ thi. Kết quả là chatbot này đã đưa ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra rất vô nghĩa.
Không chỉ dừng lại ở việc những câu trả lời "vô nghĩa", theo ông Gordon Crovitz, đồng giám đốc điều hành của NewsGuard (công ty theo dõi thông tin sai lệch trên mạng) nhận định sản phẩm của Công ty OpenAI sẽ trở thành công cụ phát tán thông tin sai lệch mạnh nhất từng có trên internet. Ông chia sẻ: "Việc tạo ra một câu chuyện sai lệch giờ đây có thể được thực hiện ở quy mô lớn và tần suất thường xuyên hơn nhiều. Giống như việc có cả một "đại lý AI" để đóng góp cho những thông tin sai lệch đó". Không khó để hình dung mức độ nguy hại đến xã hội sẽ là rất lớn nếu những thông tin sai lệch được phát tán dày đặc nhân danh "trí tuệ nhân tạo".
Trước đó, nguy cơ này đã được các nhà nghiên cứu thuộc OpenAI đặt ra. Cụ thể là từ năm 2020, họ đã phát hiện thấy GPT-3, công nghệ cơ sở của ChatGPT, có kiến thức sâu rộng về các cộng đồng cực đoan và có thể được thúc đẩy để tạo ra các cuộc luận chiến liên quan chính trị, thậm chí tạo ra các văn bản cực đoan đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, do sự mới mẻ và những ưu điểm vượt trội, nên hiện nay cộng đồng vẫn đang dành nhiều sự quan tâm với ChatGPT, điều này tạo nên một hiệu ứng công nghệ có tính toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.
Tại Việt Nam, liên quan nội dung thiếu chính xác mà phần mềm ChatGPT cung cấp, đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực rất đáng lo ngại. Cụ thể là một số đối tượng chống phá, thù địch đã và đang triệt để khai thác những phần trả lời ngô nghê, sai sót về kiến thức từ phần mềm này rồi mặc nhiên coi đó như một "căn cứ tin cậy" để đăng tải trên các diễn đàn, trang mạng xã hội hòng xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, chống phá Ðảng, Nhà nước.
Cũng với cách làm tương tự, ngày 6/2/2023 trên một trang báo tiếng Việt ở hải ngoại đã nhân danh người dân để đưa ra những câu hỏi theo kiểu so sánh, ẩn dụ, gây khó hiểu đối với một phần mềm công nghệ. Với cách đặt câu hỏi như vậy, có thể dự đoán ngay được việc ChatGPT khó lòng trả lời được. Thế nhưng, cố tình đặt câu hỏi đánh đố rồi lợi dụng những thông tin sai lệch mà ChatGPT đưa ra, bài viết lập tức quy kết rằng, "Câu trả lời mà ChatGPT đưa ra được cho là khác hoàn toàn với những gì người dân trong nước được nghe lâu nay".
Bài viết có nội dung xuyên tạc nêu trên đã lập tức được một số đối tượng phản động lan truyền trên mạng xã hội với mục đích dắt mũi dư luận, hướng lái người dân hiểu sai về Ðảng, về lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhân cơ hội này, các đối tượng chống phá mặc sức bài xích, lên án quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, xuyên tạc rằng người dân không dám bày tỏ quan điểm của mình mà phải bắt buộc sử dụng các nguồn dữ liệu duy nhất của Việt Nam đang quy định.
Ðáng buồn là một số người thiếu thiện chí hoặc do hồn nhiên, nhẹ dạ, a dua theo đám đông đã tham gia bình luận, chia sẻ bài viết, thậm chí sử dụng những hình ảnh mang tính chất giải trí, đùa cợt để câu like, câu view mà không nhận thức được rằng hành động đó đã tiếp tay cho các đối tượng xấu.
Nhìn nhận, đánh giá về sự việc nêu trên, nhiều người đã bày tỏ sự bất bình, đồng thời cho rằng đây là một cách hành xử không đàng hoàng, thiếu nghiêm túc, thậm chí là thể hiện rõ ý đồ xấu. Bởi thực tế dù là một phần mềm công nghệ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các phần mềm trước đó song không thể coi ChatGPT như một cuốn "Bách khoa thư", không phải là một "cỗ máy biết tuốt" mà chỉ là một nguồn thông tin để tham khảo. Trong quá trình sử dụng, những bất cập, hạn chế của ChatGPT đã bộc lộ, đó là vẫn còn không ít khiếm khuyết về ngôn ngữ, cách diễn đạt cũng như những sai sót về thông tin. Thời gian qua, cộng đồng mạng chia sẻ khá nhiều những câu trả lời "cười ra nước mắt" của ChatGPT.
Như liên quan tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố, ChatGPT trả lời: "Anh ta (tức Ngô Tất Tố) được biết đến như một trong những người tiên tiến trong việc tắt đèn tại Việt Nam trong thập niên 20... Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường". Ðây có thể xem là một thí dụ điển hình cho thấy những lỗ hổng rất lớn của ChatGPT trong quá trình thu thập thông tin để trả lời câu hỏi của người dùng.
Thế nhưng, các đối tượng xấu đã lợi dụng điểm hạn chế này của ChatGPT để phục vụ cho những mục đích đen tối. Khai thác phần trả lời ngô nghê, đầy sai sót của ChatGPT liên quan lĩnh vực chính trị, tư tưởng, các đối tượng này đã sử dụng để bôi nhọ, xuyên tạc lãnh tụ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, bác bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Không khó để nhận thấy rằng, các đối tượng chống phá âm mưu tạo ra sự hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân, chia rẽ nhân dân với Ðảng, Nhà nước, mất lòng tin vào chế độ. Do đó, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện thủ đoạn chống phá mới này để có biện pháp ngăn chặn và đấu tranh kịp thời.
Ngày 3/3 vừa qua, tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và định hướng nhiệm vụ trong tháng 3/2023 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an thành phố cho biết: "Ứng dụng ChatGPT đang tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc nhằm mục đích phá hoại các chính sách của Nhà nước. Do đó, trong quá trình sử dụng của cộng đồng nếu cơ quan quản lý nhà nước không có những giải pháp để kiểm soát mà buông lỏng tuyên truyền hoặc không có quy chế cụ thể, sẽ tạo ra khe hở cho các hoạt động sử dụng công nghệ nhằm mục đích phá hoại". Vấn đề này rất cần các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội,… quan tâm. Theo đó phải kịp thời nắm bắt, phát hiện những diễn biến bất thường trong đời sống xã hội, nhất là trên môi trường mạng từ đó có cách giải quyết phù hợp, bảo đảm an ninh trật tự, ổn định xã hội.
Với mỗi người sử dụng ChatGPT nói riêng và các phần mềm hỗ trợ cung cấp thông tin nói chung cần hình thành kỹ năng sàng lọc, lựa chọn thông tin chuẩn xác. Hiện nay, chúng ta có nhiều công cụ, phương pháp để kiểm chứng thông tin. Hãy để các ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ con người thay vì con người bị lệ thuộc, dẫn dắt bởi những cỗ máy, để rồi bị lạc lối vào ma trận thông tin không chính xác và rất có thể bị đối tượng xấu lợi dụng.
Theo Đông Á/nhandan.vn