Trong gần bốn thập kỉ (1986 - 2022), Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng
kinh tế khá cao. Năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện.
1.Thực trạng thu hút FDI của Việt Nam năm 2022
Năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỉ
USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỉ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng kí còn hiệu lực.
Một số dự án được khởi công mới với số vốn lớn như Nhà máy bia Heineken được khánh thành tháng 9/2022 tại Vũng Tàu. Với tổng đầu tư sau khi tăng vốn là 9.151 tỉ đồng, công suất 1,1 tỉ lít/năm, cao gấp 36 lần so với trước. Là nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á, Heineken có dây chuyền đóng lon nhanh nhất trong các nhà máy bia Heineken trên toàn thế giới. Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh của Nhật Bản được cấp mới giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD, được khởi động tháng 10/2022.
Quy mô đầu tư: Năm 2022, nhiều dự án được tăng vốn đầu tư từ đầu năm như dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn; Dự án
Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn hai lần: Tăng 920 triệu USD (lần 1) và tăng 267 triệu USD (lần 2); Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung
HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh (tăng 306 triệu USD), tại Nghệ An (tăng 260 triệu USD) và tại Hải Phòng (tăng 127 triệu USD).
Đối tác đầu tư: Năm 2022, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỉ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỉ USD, Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng kí hơn 4,78 tỉ USD, tiếp theo là Trung Quốc (2,52 tỉ USD), Hồng Kông (2,22 tỉ USD). (Bảng 1)
Bảng 1: Top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam năm 2022
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (số liệu đến ngày 20/12/2022)
Năm 2022, Hàn Quốc vẫn là đối tác đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất (chiếm 20,4% số dự án mới, 32,6% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt góp vốn, mua cổ phần).
Lĩnh vực đầu tư: Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỉ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng kí năm 2022; ngành kinh doanh
bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỉ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng kí; tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện (với vốn đầu tư đăng kí 2,26 tỉ USD), hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt gần 1,29 tỉ USD; còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt là 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút lượng vốn đầu tư lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Phân bổ đầu tư: Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng kí hơn 3,94 tỉ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng kí và tăng 5,4% so với cùng kì năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỉ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kì năm 2021. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng kí gần 2,37 tỉ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn hai lần so với cùng kì năm 2021.
Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (43,9%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (17,3% sau Hà Nội (18,6%).
Hình thức đầu tư: Năm 2022, tổng vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỉ USD; trong đó, vốn đăng kí cấp mới tuy giảm, song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kì năm 2021.
Bảng 2: Tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2022
Đơn vị: Tỉ USD
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (số liệu đến ngày 20/12/2022)
Mặc dù vốn đăng kí cấp mới giảm (18,4%), song vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt gần 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021 và số dự án đầu tư mới tăng lên (tăng 17,1%, đạt 2.036 dự án) so với cùng kì năm 2021. Mức giải ngân tăng cao là tín hiệu tốt cho thấy, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Thêm nữa, một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang nghiên cứu, tìm hiểu và dự kiến sẽ triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Số vốn đăng kí thêm tăng 12,2% và số lượt điều chỉnh tăng 12,4% với 1.107 lượt điều chỉnh năm 2022 so với cùng kì năm 2021 đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhờ vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đầu tư mở rộng nhiều dự án hiện hữu. Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam, nên đã đưa ra các quyết định mở rộng đầu tư dự án hiện hữu.
Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như Apple, Goertek, Foxconn, Luxshare đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng sang Việt Nam càng khẳng định bước “chuyển mình” để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Những động thái của các nhà đầu tư nước ngoài càng chứng tỏ, Việt Nam đang thực sự trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Theo JP Morgan, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, khoảng 5% M
acBook và 65% AirPods vào năm 2025. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đang trở thành trung tâm sản xuất AirPods chính.
2. Một số vấn đề còn tồn tại trong thu hút FDI năm 2022
Tổng vốn đầu tư đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 27,72 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kì năm 2021. Mức sụt giảm thể hiện rõ khó khăn chung trong ngắn hạn của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động năm 2022. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên thế giới và ở Việt Nam. Mức sụt giảm đầu tư nước ngoài ở Việt Nam do ảnh hưởng của một số yếu tố cơ bản như: Sự không chắc chắn của nhà đầu tư và tình trạng rủi ro do ảnh hưởng của xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới; xung đột Nga - Ukraine, áp lực giá cả và lạm phát tăng cao; nhu cầu hàng hóa toàn cầu có xu hướng giảm; điều kiện
tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt; đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn. Những yếu tố này gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Năm 2022, mặc dù doanh nghiệp FDI có những đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh ở Việt Nam như hoạt động thanh, kiểm tra đã giảm, những chuyển biến tương đối tích cực trong cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực, chi phí không chính thức tiếp tục được xóa bỏ, chất lượng lao động và chất lượng hạ tầng có những cải thiện tương đối rõ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục khắc phục như: Tập trung cải cách những thủ tục hành chính mà một số doanh nghiệp vẫn gặp phiền hà về thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng kí đầu tư và
bảo hiểm xã hội. Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng như cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai.
Vốn đăng kí cấp mới giảm ảnh hưởng không chỉ đến vốn giải ngân, mà cả tới sự phát triển kinh tế thời gian tới. Thu hút đầu tư mới giảm chứng tỏ các bước chuẩn bị về đất đai, nhân lực chưa tốt. Nguyên nhân chính dẫn đến vốn đăng kí mới giảm là do:
Thứ nhất, các
chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng kí dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.
Thứ hai, thị trường toàn cầu đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa - chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.
Thứ ba, sụt giảm của vốn đăng kí cấp mới là do nhiều dự án quy mô vốn trên 100 triệu USD được cấp chứng nhận đăng kí đầu tư năm 2021 (chiếm tới 62,8% tổng vốn đăng kí mới của năm 2021). Trong khi năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD (chiếm 37,2% tổng vốn đầu tư).
Ngoài những nguyên nhân chính trên, còn có một số hạn chế khác khiến vốn đăng kí mới năm 2022 giảm, như: Thủ tục hành chính, giấy tờ xét duyệt và cấp giấy phép khảo sát chậm thực hiện làm cho các hoạt động, công việc phát triển dự án chậm được khởi động; thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong mảng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo - những nhân tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam. Một số vướng mắc trong vấn đề thuế, ưu đãi đầu tư, chính sách thị thực ít cởi mở, hiện tượng "chảy máu chất xám" đang diễn ra cũng tác động tiêu cực tới thu hút và mở rộng đầu tư của Việt Nam.
Việc phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lí các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo của nhiều địa phương trong thu hút FDI. Tuy nhiên, do phân cấp đại trà, dàn trải, chưa tính đến đầy đủ các đặc thù của địa phương nên đã dẫn đến tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt quy định, nhiều dự án làm phá vỡ
quy hoạch, thậm chí cấp phép rồi không triển khai được và phải thu hồi giấy phép. Do đó, cần xây dựng bộ công cụ sàng lọc để từng bước khắc phục những hạn chế của hoạt động thẩm định dự án FDI hiện tại, đồng thời đón dòng vốn phù hợp với định hướng thu hút FDI trong giai đoạn mới của Việt Nam, chú trọng vào chất, thay vì chạy theo số lượng.
Tóm lại, còn có nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, nếu Việt Nam không sớm cải thiện, sẽ khó tăng tốc trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
3. Giải pháp thu hút FDI trong thời gian tới
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới. Mặc dù cơ hội của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển là rất lớn, nhưng để cơ hội đó trở thành hiện thực và thu hút được những dự án từ các nhà đầu tư chất lượng, uy tín, mang lại hiệu quả cao, Việt Nam đã và đang tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tiếp tục quảng bá, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kĩ năng quản lí như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Tiếp tục chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến.
Với mức tăng trưởng GDP quý I/2020 là 3,82% - mặc dù thấp nhất trong giai đoạn 2009 - 2020, nhưng lại cao nhất trong số các nước có được số liệu trong cùng thời điểm, sẽ là tín hiệu tích cực đối với niềm tin đầu tư. Kết quả chống dịch hiệu quả khiến các tập đoàn xuyên quốc gia đang dịch chuyển đầu tư. Nhiều nhà đầu tư có ý định chuyển khỏi Trung Quốc do gặp bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung1. Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng kí 378 tỉ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore là những nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Khoảng 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỉ lệ cao nhất trong khối ASEAN, đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương (sau Bangladesh và Ấn Độ).
Chủ động kết nối với các tập đoàn lớn của thế giới trao đổi các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn Việt Nam nhằm hỗ trợ cho những quyết định mới. Chuẩn bị tốt các điều kiện về thể chế, chính sách, pháp luật sẵn sàng đón nhận các dự án lớn, dự án phù hợp định hướng hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, thu hút đầu tư có chọn lọc. Thu hút FDI phải lấy chất lượng làm trọng, không khoan nhượng với dự án của bất kì đối tác nào để hướng nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút FDI cần lựa chọn và ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn lớn, có công nghệ tiên tiến dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ, thân thiện với môi trường và thật sự có năng lực, xóa bỏ việc thu hút FDI tràn lan. Liên kết khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước nhằm tạo dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.
Chiến lược thu hút FDI phải gắn liền với việc tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP
TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác
Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). EVFTA tạo điều kiện để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư từ EU. Chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu lớn đầu tư vào Việt Nam, các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kĩ năng quản lí như Mỹ, EU, Nhật Bản. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, có tính chất mũi nhọn và khả năng bứt phá, tạo ra nhiều giá trị gia tăng như công nghệ mới, dược phẩm, dịch vụ tài chính -
ngân hàng, du lịch, nông nghiệp sạch và chế biến thực phẩm.
Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Thu hút FDI thời gian tới được xác định là phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao. Việt Nam không dễ mở rộng cửa cho các dòng vốn kém chất lượng chảy vào để hạn chế hủy hoại môi trường, tình trạng chuyển giá, trốn thuế khiến ngân sách nhà nước thất thu. Lựa chọn những dòng vốn chất lượng cao, nhà đầu tư có uy tín, có năng lực để không chỉ hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mà còn loại bỏ tình trạng gian lận về thuế. Khu vực EU đầu tư vào Việt Nam khoảng hơn 25 tỉ USD, tuy chưa phải là nhiều nhưng tiềm năng quan hệ kinh tế giữa hai bên rất lớn. Các doanh nghiệp châu Âu có tiềm lực tài chính với công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại và sẵn có thị trường rộng lớn.
Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Để thu hút FDI sau dịch Covid-19 được hiệu quả, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết. Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư. Uy tín và vị thế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhờ thành công đạt được trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam đã tạo lợi thế lớn trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế là điểm đến đầu tư an toàn. Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh như tính ổn định về chính trị, thị trường tiêu thụ lớn, Chính phủ đổi mới, lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nhà đầu tư vẫn còn những quan ngại liên quan đến sự thiếu ổn định về chính sách, một số quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực. Tổng chi phí xã hội
tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm
2.
Hàng loạt các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được thông qua với rất nhiều điểm mới, theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đã làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, kí thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu và xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Thứ tư, ưu đãi hỗ trợ đầu tư. Ngoài việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ hấp dẫn. Hiện nay, Luật Đầu tư sửa đổi và các luật khác có liên quan đã bổ sung những ưu đãi mang tính cạnh tranh tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI như cơ chế hỗ trợ về
lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài là lợi nhuận, nên thuế thu nhập doanh nghiệp thấp là một yếu tố quan trọng để thu hút FDI. Sử dụng công cụ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, kết hợp với các yếu tố khác như hoàn thiện thể chế, mở cửa nền kinh tế, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ giúp khắc phục điểm yếu về quy mô kinh tế, nhờ đó tạo cơ hội thành công trong thu hút FDI. Giảm thuế giá trị gia tăng có tác động thiết thực, kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với thị trường trong nước, giảm thuế xuất khẩu hàng hóa làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn được giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bằng những cơ chế, chính sách công bằng, hợp lí dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi trong lĩnh vực thuế như khấu trừ chi phí hợp lí, ghi nhận doanh thu, định giá mua bán ngoài cho những giao dịch liên quan đến các khu vực có thuế suất khác.
Xóa bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức, bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy; kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới để chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Chú trọng công tác đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai. Để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung đầu tư và hỗ trợ các yếu tố về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chi phí và chất lượng logistics, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), xây nhà ở cho công nhân.
4. Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam
Luật Đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kì vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhiều tập đoàn công nghệ đã lên kế hoạch rời Trung Quốc để tránh bị tổn thương từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các công ty đa quốc gia như Samsung và LG đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc. Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất
điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hãng trò chơi điện tử Nintendo cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam.
Việt Nam cũng được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh đầu tư. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP bắt đầu có hiệu lực nên triển vọng thu hút FDI của Việt Nam rất sáng sủa. Đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn cũng tăng.
Việt Nam đứng thứ 25/60 quốc gia thu hút vốn FDI hấp dẫn nhất thế giới
3. Với thứ hạng 25, Việt Nam đã vượt trên các nước trong khu vực Đông Nam Á rất mạnh về thu hút FDI như Indonesia, Philippines và Thái Lan nhờ cách tiếp cận giảm tổng chi phí cho các FDI, nhờ quy mô thị trường nội địa lớn và có sức chi tiêu đầy hấp dẫn. Việt Nam đứng đầu danh sách, với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%)
4. Các doanh nghiệp Nhật Bản di dời khỏi Trung Quốc không chỉ vì cuộc chiến thương mại, mà còn để “né tránh” chi phí đầu vào ngày càng tăng cao ở thị trường Trung Quốc. Nhận định của các tổ chức quốc tế, bao gồm cả
Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc và khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam ở Đông Nam Á nổi trội, thể hiện:
Thứ nhất, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ổn định. Chính trị - xã hội ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt là những yếu tố luôn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam được biết đến là một trong những nền kinh tế năng động nhất. Những yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỉ lệ trên 90%. Sự ổn định chính trị - xã hội đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khiến các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Hơn nữa, các yếu tố như thị trường tiềm năng với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người tăng, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài được công bố rõ ràng, cơ sở hạ tầng tiếp tục được phát triển, tài nguyên về đất đai và nguồn lực lao động cũng sẽ là thế mạnh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Việc kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm giúp Việt Nam có ưu thế hơn so với các quốc gia khác.
Thứ hai, vị trí địa lí thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Việt Nam có vị trí địa lí thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía Tây Bán đảo Đông Dương. So với Ấn Độ và Indonesia - những quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI ở Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn. Việt Nam gần Trung Quốc nhất, khoảng cách vận chuyển dễ dàng. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành một cứ điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng của Samsung. Bên cạnh đó, Việt Nam có cộng đồng ASEAN - là thị trường với khoảng 650 triệu người, quy mô thị trường lớn hơn EU và GDP gần 4.000 tỉ USD. Thể chế chính trị của Việt Nam rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn với những quy định ưu đãi thay đổi cụ thể theo từng trường hợp. Cùng với đó, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa gần 100 triệu người, có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang tạo nên bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Trong đó, có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia của nhóm G20. Làn sóng này được kì vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu, cũng như gia tăng thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mang tới cơ hội thu hút dòng vốn FDI từ châu Âu, cũng như từ các quốc gia muốn hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) có hiệu lực (12/2020) được dự báo không chỉ thúc đẩy xuất khẩu vào Anh, mà còn thu hút nguồn vốn FDI vào các ngành có lợi thế của Việt Nam. Rõ ràng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, mức giá thuê văn phòng đầu tư hợp lí. Việt Nam có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ có tính cơ động cao và đang ở trong thời kì cơ cấu dân số vàng (2007 - 2039) với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động. Chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn. Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp của Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45 - 50% so với mức giá thuê của các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo đánh giá của ông Troy Griffths, Phó Giám đốc Savills Việt Nam, so sánh trong khu vực thì giá thuê văn phòng tại Việt Nam khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, chi phí lao động của Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Chi phí kinh doanh thấp, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu và sự linh hoạt trong việc thay đổi quy định đã giúp Việt Nam đạt thứ hạng 69/190 quốc gia trên toàn thế giới trong “Bảng xếp hạng kinh doanh thuận lợi” của WB, vượt trên mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên các đối thủ Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Lào5.
Thứ năm, đồng tiền ổn định với giá điện phù hợp. Đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực. Các yếu tố vĩ mô thuận lợi như mức dự trữ ngoại hối cao, lạm phát được kiểm soát và sự điều hành hợp lí của Ngân hàng Nhà nước giúp
VND giữ vững giá trị, ổn định hơn so với biến động của đồng Rupiah (Indonesia) và các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á. Giá điện của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng rẻ hơn, chỉ bằng 80% so với giá điện của Indonesia; khoảng 42,1% so với giá điện của Philippines và 66,7% so với giá điện của Campuchia
6. Những nhân tố thuận lợi đó giúp triển vọng thu hút FDI của Việt Nam sáng sủa.
5. Kết luận
Mục tiêu Việt Nam hướng đến trong giai đoạn 2021 - 2030 là thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn, đặc biệt là các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500. Hiện nay, chỉ có hơn 100 tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 có đầu tư tại Việt Nam, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc danh sách Fortune 500.
Với những lợi thế mà Việt Nam đang “dẫn điểm” trước các “đối thủ” đầu tư khác như chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều tiềm năng phát triển, khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã kí kết khiến Việt Nam trở thành quốc gia an toàn, bến đỗ đầu tư hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam đang sẵn sàng hợp tác đón nhận các dòng đầu tư FDI từ các quốc gia có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao. Dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau dịch Covid-19 và trở thành điểm đến lí tưởng của dòng FDI.
1 Sharp xây nhà máy mới ở Việt Nam để tránh những tác động tiêu cực trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Apple chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây Airpods từ Trung Quốc sang Việt Nam để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19.
2 Việt Nam có nhiều cơ hội tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ EU; http://dangcongsan.vn/kinh-te/viet-nam-co-nhieu-co-hoi-tan-dung-evfta-va-thu-hut-fdi-tu-eu-558193.html
3 Đánh giá của Công ty IHS Markit (Anh) và Đại học Tennessee (Mỹ) theo Bộ tiêu chí EPIC (Economy, Politics, Infrustructure, Competition).
4 Đánh giá của ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO (Nhật Bản) tại Việt Nam.
5 Việt Nam vẫn nằm trong khu vực có chi phí sử dụng lao động thấp nhất thế giới; https://haiquanonline.com.vn/viet-nam-van-nam-trong-khu-vuc-co-chi-phi-su-dung-lao-dong-thap-nhat-the-gioi-104834.html
6 Việt Nam đang ở đâu trên “đường đua” đón dòng vốn FDI? https://cafeland.vn/tin-tuc/viet-nam-dang-o-dau-tren-duong-dua-don-dong-von-fdi-87524.html
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tấn xã Việt Nam (2022), [Infographics] Thu hút FDI năm 2022 đạt gần 27,72 tỉ USD | Kinh doanh | Vietnam+ (VietnamPlus).
2. Nguyên Đức (2022), Không để chậm chân trong thu hút FDI (baodautu.vn).
3. Minh Ngọc (2022), Giải ngân FDI tăng trưởng tốt (baochinhphu.vn).
4. Thảo Nguyên (2022), Năm 2022: Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót gần 28 tỉ USD vào Việt Nam (qdnd.vn).
5. Atharva Deshmukh (2021), FDI in Vietnam: A Year in Review and Outlook for 2021 (vietnam-briefing.com).
6. Vietnam: Recommendations for FDI Strategy for 2020-2030; http://fdi-vietnam.com/fdi-news/vietnamrecommendations-for-fdi-strategy-for-2020-2030.html
7. Huaxia (2020), Vietnam’s FDI attraction down in Q1; http://www.xinhuanet.com/english/2020-04/01/c_138937751.htm
8. Lê Anh (2020), “Hậu Covid-19, Việt Nam đang có cơ hội vàng để thu hút FDI từ châu Âu”; https://vietnamfinance.vn/hau-covid-19-viet-nam-dang-co-co-hoi-vang-de-thu-hut-fdi-tu-chau-au-20180504224240469.htm
9. Phương Minh (2020), Việt Nam đang hấp dẫn vốn FDI nhất Đông Nam Á; ttps://plo.vn/kinh-te/quan-ly/viet-nam-dang-hap-dan-von-fdi-nhat-dong-nam-a-921076.html
10. Một số tài liệu liên quan khác.
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
PGS., TS. Vũ Văn Hà (Đại học Đại Nam)