Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp khẩn về phòng, chống bão số 4

28/09/2022 - 20:27
(Bankviet.com) Sáng ngày 27/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru) – một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua. Thủ tướng yêu cầu phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân, ngay từ khi bão chưa đổ bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng

Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với điểm cầu tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4. (Ảnh: VGP)

Phát biểu đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các tỉnh, thành phố đã triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được giao nhưng Thủ tướng vẫn tiếp tục triệu tập cuộc hộp để rà soát lại công tác chuẩn bị ứng phó bão và ứng phó với các diễn biến sau bão…

"Nhân dân ở xã phường, nên cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới cấp xã phường. Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân; phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ bởi "phòng hơn chống"", Thủ tướng phát biểu.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sau khi kiểm tra, ông nhận định các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống bão; chúng ta có thể tương đối yên tâm với công tác bảo đảm an toàn hồ đập.

Bộ trưởng đề nghị nhấn mạnh quan điểm “không hối tiếc” khi ứng phó cơn bão này bởi mọi sự thiệt hại về tính mạng và tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế.

Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.

Những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần của các tỉnh, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão thì có thể trời quang, mây tạnh. Đồng thời cũng không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm; trong đó hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão…

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán