Tại Phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đang chậm lại, nhấn mạnh khó khăn mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong bảo đảm tiến trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Các lãnh đạo cũng chia sẻ các giải pháp giảm bất bình đẳng kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường.
Các chính sách về tài chính xanh, huy động nguồn lực quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển nhận được nhiều ủng hộ.
Hội nghị khẳng định cần tăng cường nguồn tài chính cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu, nhấn mạnh tính cấp bách phải đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho công nghệ và hạ tầng, tăng cường hợp tác công - tư để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tái khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt về phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam là không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trích dẫn câu ngạn ngữ nổi tiếng: "Chúng ta không thừa hưởng Trái Đất từ tổ tiên, chúng ta vay mượn nó từ các thế hệ tương lai", Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi hành động của chúng ta hôm nay đều sẽ quyết định vận mệnh của các thế hệ tương lai.
Với quan điểm ấy, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình cùng các quốc gia, đối tác, cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, đóng góp cho sự phát triển của một thế giới xanh, sạch, đẹp, bền vững, vì tương lai của các thế hệ mai sau.
Để góp phần đưa tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trở lại đường ray, tăng tốc và về đích đúng hạn, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với Hội nghị ba đề xuất:
Thứ nhất là tập trung thúc đẩy 3 chuyển đổi then chốt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là nền tảng; chuyển đổi xanh là trung tâm, là định hướng dẫn dắt; chuyển đổi năng lượng là động lực thúc đẩy cho phát triển bền vững, giảm phát thải carbon.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt, đột phá, là chìa khóa của các quá trình chuyển đổi cho phát triển bền vững.
Do đó, Thủ tướng đề nghị G20 cần đi tiên phong trong kết nối nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và kiến tạo hệ sinh thái mở về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các nước đang phát triển với nguyên tắc không chính trị hóa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đề xuất thứ hai của Thủ tướng Chính phủ là tập trung thúc đẩy đầu tư cho con người với quan điểm nhất quán lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; đồng thời chú trọng tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Trên tinh thần ấy, Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của Brazil về thu hẹp bất bình đẳng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, bảo đảm công bằng xã hội và phát triển bao trùm trong năm Chủ tịch G20.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là những điều kiện quan trọng, tiên quyết cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng phục vụ lợi ích của người dân, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi thúc đẩy các mô hình hợp tác tài chính sáng tạo và đầu tư hiệu quả, nhất là hợp tác công tư để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thông báo đến hội nghị việc Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) vào tháng 4/2025.
Thủ tướng khẳng định đây là nỗ lực của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng. Thông báo của Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh và hưởng ứng của Hội nghị.
Dưới sự điều hành của nước Chủ tịch và nỗ lực gác lại bất đồng, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng chung tay trong cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại Lễ Bế mạc Hội nghị, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã trao lại chiếc búa nghi lễ cho Tổng thống Cyril Raphamosa, chính thức chuyển giao quyền Chủ tịch G20 2025 cho Cộng hòa Nam Phi. Chủ đề của G20 năm sau dự kiến sẽ là "Thúc đẩy đoàn kết, bình đẳng và phát triển bền vững."
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 đã thành công tốt đẹp, khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch của Brazil với điểm nhấn nổi bật là thúc đẩy nghị sự của G20 tiếp tục tập trung vào các nội dung là quan tâm chung của các nước Nam bán cầu hiện nay.
Nước Chủ nhà Brazil đã thúc đẩy thông qua nhiều sáng kiến quan trọng về xoá đói giảm nghèo, quản trị toàn cầu, các nguyên tắc thúc đẩy phát triển bền vững, quy hoạch năng lượng, đa dạng sinh học…
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng quyết liệt thời gian gần đây, việc Hội nghị G20 năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy nhu cầu của các nước trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế cùng phối hợp giải quyết các thách thức chung.
Hà Văn