Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore Việt Nam-Singapore là đối tác quan trọng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực |
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-29/8/2023.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Singapore vào tháng 2/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long là chuyến thăm thứ 5 của ông tới Việt Nam trên cương vị Thủ tướng. Điều này cho thấy sự gần gũi, gắn kết giữa Singapore và Việt Nam.
Đây cũng là chuyến thăm nằm trong một loạt sự kiện mà hai bên tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore, sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore vào tháng 2/2023.
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ dự một loạt các hoạt động, các sự kiện quan trọng thể hiện sự hợp tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Singapore.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore đang phát triển tốt đẹp. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì trao đổi đoàn5, thư/điện mừng/thăm hỏi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, nổi bật là 5 cuộc trao đổi đoàn lãnh đạo Cấp cao giữa hai nước trong gần 2 năm qua.
Gần nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã có chuyến thăm chính thức Singapore (8-10/2/2023), với nhiều kiết quả thực chất, trong đó có việc hai bên đã ký kết thỏa thuận về lập quan hệ Đối tác Kinh tế số-kinh tế xanh, tạo tiền đề triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính xanh, mua bán năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu…; cùng nhiều văn kiện hợp tác khác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác hàng hải, lãnh sự. Các doanh nghiệp và cơ quan hai nước cũng đã ký kết 98 văn kiện hợp tác.
Hợp tác giữa hai Quốc hội thời gian qua cũng được đẩy mạnh. Chủ tịch Quốc hội hai bên đã tổ chức hội đàm trực tuyến (ngày 14/7/2021) thảo luận thực chất về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp. Chủ tịch Quốc hội Singapore đã đến Việt Nam dự SEA Games 31 (từ ngày 12-18/5/2022) và thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 18-20/5/2022). Hai bên đã ký MOU hợp tác giữa hai Quốc hội nhân dịp này.
Quan hệ kinh tế tiếp tục phát triển. Ngay khi cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19, từ tháng 3/2022, Việt Nam và Singapore đã sớm dỡ bỏ các hạn chế đi lại với nhau, nối lại đường bay thương mại. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD năm 2021 và 9,15 tỷ USD năm 2022 (tăng 11,6% so với năm 2021), trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ USD và nhập khẩu 4,8 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022 (trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu 2,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore vào tháng 2/2023, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỷ USD, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu USD/dự án.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với 163 dự án cấp mới, 72 lượt điều chỉnh và 164 lượt góp vốn mua cổ phẩn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành). Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với 775 dự án và 28,6 tỷ USD (khoảng 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký), thứ 2 là kinh doanh bất động sản với 214 dự án, vốn đăng ký hơn 19,1 tỷ USD (26%), thứ 3 là sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa với 47 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11,8 tỷ USD (16%).
Singapore đã đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh (19,3%), Hà Nội đứng thứ 2 (10,8%), thứ 3 là Bắc Ninh (7,6%), tiếp đó là Bình Dương (thủ phủ của VSIP), Long An, Quảng Nam.
Các Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nươc. Từ khu VSIP đầu tiên tại Bình Dương được khởi động tháng 1/1996, đến nay đã có 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000 ha. Các VSIP đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu USD (đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam), tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; thông tin truyền thông; bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Về quốc phòng-an ninh, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế đối thoại và hợp tác thường niên hiện có; năm 2022 đã ký Hiệp định giữa Chính phủ 2 nước về hợp tác quốc phòng song phương.
Về giao thông vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam với dung lượng hành khách đến Việt Nam đứng thứ 6 (theo số liệu năm 2019). Hiện nay các hãng hàng không Việt Nam-Singapore đã cơ bản khôi phục chuyến bay thương mại thường lệ chở khách giữa hai nước.
Tháng 11/2022, kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban hợp tác Du lịch hai nước được tổ chức tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 154.955 lượt khách Singapore (tăng 7,39% so với cùng kỳ năm 2019); trong 5 đầu năm 2023, Singapore đón 178.460 lượt khách Việt Nam (đã phục hồi được 84% so với cùng kỳ 2019).
Singapore là thị trường khách quan trọng trong khu vực, luôn nằm trong nhóm 15 thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, tài nguyên-môi trường, pháp luật-tư pháp giữa hai nước tiếp tục được tăng cường.
Hai bên phối hợp chặt chẽ trong hợp tác phòng chống dịch COVID-19. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Singapore là một trong những nước ASEAN đầu tiên hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam. Tháng 9/2021, Singapore đã tặng Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế quan trọng, trị giá gần 5 triệu USD. Tháng 3/2022, Chính phủ Singapore viện trợ 122.400 liều vaccine cho Việt Nam…
Cộng đồng người Việt tại Singapore hiện có khoảng 15.000 người, trong đó học sinh, sinh viên chiếm chủ yếu. Nhìn chung người Việt tại Singapore là cộng đồng trí thức, tuân thủ tốt luật lệ sở tại, hướng về quê hương đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chứng kiến lễ trao đổi Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc thiết lập quan hệ Đối tác Kinh tế số-kinh tế xanh Việt Nam và Singapore - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho rằng rên cơ sở các kết quả hợp tác tốt đẹp đã đạt được và đang triển khai, trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long, hai bên sẽ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Singapore tháng 2 vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính là Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ Đối tác Kinh tế số-kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore.
Đây là lĩnh vực ưu tiên phát triển của cả Việt Nam và Singapore. Thời gian qua, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy trao đổi để cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác, hướng tới ký kết những thỏa thuận trong thời gian tới.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/8 vừa qua đã ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế số- kinh tế xanh.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, đây là một lĩnh vực hợp tác có rất nhiều dư địa, tiềm năng to lớn giữa hai nước trong những năm tới.
Về kinh tế số, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Về kinh tế xanh, mục tiêu của hai nước tương đồng, là phấn đấu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, và hai nước sẽ tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng xanh trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẵn sàng bán năng lượng tái tạo cho Singapore và hai bên đang xúc tiến công việc để cụ thể hóa thỏa thuận này.
Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ tiếp tục củng cố, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước vì hòa bình, ổn định chung trong khu vực và thế giới.
baochinhphu.vn