Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu, kiểm tra chất lượng hàng hoá năm học mới, hội chợ thương mại Festival Huế và những tháng mùa mưa bão năm 2024.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hoá dịp Tết Trung thu (Ảnh: NT) |
Trao đổi với Báo Công Thương, Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế cho biết, mục đích của kế hoạch nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung và lĩnh vực kinh doanh nguyên liệu làm bánh, bánh trung thu và đồ chơi trẻ em của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, đồ chơi trẻ em phục vụ Tết Trung thu năm 2024, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng dịp Tết Trung thu nói riêng và việc bảo đảm chất lượng hàng hoá nói chung.
Tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng buôn bán, kinh doanh các loại sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu và kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trước thềm năm học mới…
Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hoá phục vụ năm học mới, hội chợ Festival Huế và những tháng mùa mưa bão.
Các đối tượng được lực lượng Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vận chuyển bánh trung thu, nguyên liệu sử dụng để sản xuất bánh trung thu, đồ chơi trẻ em và các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Trung thu, năm học mới…
Đối với mặt hàng bánh trung thu, kiểm tra đột xuất việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung và các loại bánh trung thu để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các cơ sở sản xuất bánh trung thu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra điều kiện chung về an toàn thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu lưu thông trên thị trường. Chú trọng kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, bày bán bánh trung thu về hóa hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, việc thực hiện các quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, quảng cáo, khuyến mại và việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo quản, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ…
Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Đồng thời, nắm chắc diễn biến thị trường để thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực sách giáo khoa; không để xảy ra tình trạng tàng trữ, kinh doanh, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản sách giáo khoa trái phép, cũng như kiểm tra hàng hóa có nhu cầu cao trong năm học mới như văn phòng phẩm, áo quần, ba lô, túi xách... ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý trước khi khai giảng năm học mới, bảo đảm ổn định thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.