Thừa Thiên Huế: Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế

24/09/2024 - 05:27
(Bankviet.com) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khởi động chương trình Giáo dục di sản năm 2024 với chương trình Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế.
Thừa Thiên Huế: Hơn 10 nhà dân bị tốc mái do lốc xoáy Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ ngày 20/9 các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế Thừa Thiên Huế: AEON Huế chính thức đi vào hoạt động

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, chương trình Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế với hoạ tiết truyền thống Việt Nam của triều Nguyễn được thực hiện với sự hợp tác của các Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức GEKE (Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức), trong khuôn khổ chương trình “Giáo dục Di sản” của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và dự án “Bảo tồn, Trùng tu và Phục chế ảo, tích hợp đào tạo kỹ thuật tại Điện Phụng Tiên”.

Thừa Thiên Huế: Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế
Hướng dẫn tô màu di sản (Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế)

Theo đó, trẻ em khi đăng ký tham gia chương trình này sẽ được tìm hiểu về các họa tiết trang trí truyền thống trong kinh thành và thực hành tô màu với kỹ thuật vẽ màu nước. Giảng giải về kỹ thuật vẽ truyền thống; Giới thiệu về kỹ thuật tô màu và cách sử dụng; Khám phá và tìm hiểu những họa tiết truyền thống tại bình phong và cổng chính của điện.

Với mục đích này, các em sẽ lựa chọn các tranh họa tiết được in trên giấy vẽ A3 rồi trải nghiệm tô màu bằng màu nước và cọ vẽ chuyên nghiệp tại văn phòng dự án trong khu vực Điện Phụng Tiên.

Đồng thời, người tham gia chơi trò chơi luyện trí nhớ "Hue The Memory Game" để tìm hiểu về ý nghĩa của các họa tiết qua hình thức này. Ngoài ra, trẻ sẽ cùng nhau nghiên cứu và tìm kiếm các họa tiết được sử dụng tại công trình Điện Phụng Tiên.

Thừa Thiên Huế: Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế
Trò chơi luyện trí nhớ (Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế)

Nhằm mục đích nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Huế, giúp trẻ luyện tập các kỹ năng tập trung truyền cảm hứng và phát huy khả năng nghệ thuật, sức sáng tạo của trẻ thông qua hoạt động khám phá có tính tương tác và vui thú về nghệ thuật triều Nguyễn. Giúp người tham gia tránh xa các thiết bị điện tử. Tăng cường trí nhớ, sự hiểu biết và sáng tạo. Cùng nhau học tập và vui chơi trong một bầu không khí độc đáo tại khu vực Điện Phụng Tiên.

Thời gian tham gia, buổi sáng hoặc chiều, đi vào bằng cửa Ngọ Môn, sau đó đi bộ vào điện Phụng Tiên. Miễn phí toàn bộ (vé vào cổng, nguyên vật liệu và giải khát giữa giờ).

Tuấn Mỹ

Theo: Báo Công Thương