Thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long

03/11/2023 - 02:10
(Bankviet.com) Diễn đàn là cơ hội để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nội vùng và liên vùng.
Tổ chức Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến 2023 từ ngày 27/11Giải pháp giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 2/11, tại TP. Cần Thơ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương TP. Cần Thơ tổ chức Diễn đàn thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đại diện trên 200 doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng; sàn thương mại điện tử, đối tác về chuyển đổi số và giải pháp tài chính cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Nguyễn Thực Hiện, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc Diễn đàn

Bên cạnh đó còn có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ từ các đối tác thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế, logistics trong thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, hỗ trợ tài chính doanh nghiệp như Amazon, Alibaba, OSB, Sendo, Shopee, Postmart, Tiki, Vietnam Post, Fado - Ratraco Solution, Viettel Digital, BIDV

Phát biểu tại diễn đàn, thay mặt lãnh đạo TP. Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện mong muốn Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành sẽ có nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ những định hướng quản lý nhà nước và phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử.

Từ đó, doanh nghiệp địa phương có thể nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành thương mại điện tử, phát triển thương hiệu sản phẩm, chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sự hỗ trợ của các bên. Tất cả những điều này đều nằm trong mục tiêu thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử trong liên kết vùng tại Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ, khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng.

Thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Đến với diễn đàn, các đối tác đã chia sẻ những giải pháp trong thương mại điện tử hay dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử được triển khai thực tế với nhiều mô hình vận hành khác nhau. Điều này cho thấy sự phát triển đa dạng, phong phú của các loại hình thương mại điện tử.

Xây dựng thị trường thương mại điện tử cạnh tranh và phát triển bền vững

Tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử là chủ trương xuyên suốt và là một trong những định hướng trọng tâm của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại, phát triển kinh tế vùng.

Quyết định 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ những mục tiêu như: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững...

Thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ tại diễn đàn

"Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành cũng như các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển trong đó có khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ" - bà Oanh cho biết.

Bên cạnh đó, bà Oanh nhấn mạnh, liên kết vùng trong thương mại điện tử là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước trong các vùng kinh tế để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nội vùng và liên vùng.

Để tăng cường quản lý và định hướng thúc đẩy phát triển liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử hiện nay, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển thương mại điện tử địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt và thị trường xuất khẩu, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm: "Cần tăng cường phối hợp hai chiều giữa cơ quan nhà nước và địa phương để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử".

Thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long
Diễn đàn thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự

Đồng thời, theo bà Oanh, các địa phương cũng cần chủ động kết nối với nhau để phát huy sức mạnh lẫn nhau. Bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển. Nâng cao năng lực thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia tại Quyết định 645. Kêu gọi xã hội hóa và sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và chuyển giao về giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế vùng.

"Với lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực như nông sản, thủy hải sản, gạo, thủ công mỹ nghệ, thị trường thương mại điện tử tại các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, phát triển đa dạng, phong phú và hội nhập sâu rộng với thương mại điện tử khu vực" - lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.

Thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long
Gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của TP. Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Cũng tại diễn đàn, đại diện đến từ Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội, sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp sản xuất địa phương đã chia sẻ nhiều nội dung về định hướng quản lý nhà nước, chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử, phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…

Bên cạnh các giải pháp, chính sách với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt trên các sàn thương mại điện tử, hưởng ứng Chương trình chung tay ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Postmart đã cùng chung tay xây dựng chương trình bán hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Đây cũng là hành động thiết thực để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng miền, địa phương trên các sàn thương mại điện tử.

Thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ với các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước, quốc tế

Với chuỗi sự kiện diễn ra tại diễn đàn, các doanh nghiệp địa phương sẽ tìm kiếm được những giải pháp hỗ trợ phù hợp, cùng với các cơ quan Trung ương, địa phương hướng tới mục tiêu chuyển đổi số, phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; khai thác tốt các chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản, sản phẩm tại TP. Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ với các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước, quốc tế trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương trên các sàn thương mại điện tử. Lễ ký này cũng như cam kết của các bên sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác mới của chính quyền, đối tác và doanh nghiệp địa phương các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương