Tăng cường hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN-Anh: Mở rộng cơ hội tăng cường quan hệ kinh tế thương mại |
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu thiếu động lực và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang phổ biến trên toàn cầu. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, có hiệu lực ở các quốc gia thành viên.
Việc thực hiện hiệp định này có thể làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa các nền kinh tế châu Á, tăng cường khả năng phục hồi của ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng trong khu vực RCEP, thúc đẩy hiệu quả niềm tin về thương mại và đầu tư ở châu Á, kích thích sức sống của hợp tác kinh tế khu vực và thúc đẩy mạnh mẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế của khu vực trong thời kỳ hậu đại dịch.
Ý nghĩa của RCEP nằm ở sự tích hợp của 27 hiệp định thương mại và 44 hiệp định đầu tư đã được ký kết và thực hiện giữa 15 nước thành viên. Từ góc độ thể chế, RCEP giảm thiểu “hiệu ứng bát mỳ” bằng cách đơn giản hóa và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ và các ưu đãi khác nhau.
Trong năm qua, quan hệ thương mại nội khối ngày càng sâu rộng và đại đa số các thành viên RCEP đều cho thấy xu hướng tăng trưởng cao trong thương mại nội khối. Thống kê từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại của nước này với các quốc gia ký kết RCEP khác đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,88 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Hàn Quốc, Việt Nam, New Zealand, Nhật Bản và Thái Lan chứng kiến thương mại của họ với các thành viên RCEP khác tăng lần lượt là 10,4%, 10,1%, 8,4%, 7,1% và 6,0%. Tốc độ này nhanh hơn tốc độ tăng trưởng thương mại của họ với các khu vực khác trên thế giới, cho thấy hội nhập kinh tế khu vực của RCEP đã thúc đẩy hiệu quả tăng trưởng thương mại trong khu vực.
RCEP đã thúc đẩy hiệu quả thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên, trở thành nền tảng quan trọng để các nước tiếp tục mở cửa nền kinh tế trong kỷ nguyên mới. Ví dụ, năm 2022, tổng khối lượng xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các thành viên RCEP khác đạt 1,89 nghìn tỷ USD, chiếm 30,8% tổng ngoại thương của nước này.
Năm 2022, Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng thương mại hàng năm ở mức hai con số với tám quốc gia thành viên RCEP, trong khi thương mại của nước này với Indonesia, Singapore, Myanmar, Campuchia và Lào tăng hơn 20% hàng năm. Đồng thời, đầu tư trực tiếp phi tài chính của Trung Quốc vào các thành viên RCEP khác vào năm 2022 đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17,96 tỷ USD và thu hút đầu tư trực tiếp 23,53 tỷ USD, tăng 23,1% từ các thành viên RCEP khác.
Sau khi RCEP có hiệu lực, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực tận dụng các nền tảng như Triển lãm quốc tế Con đường tơ lụa, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc và Hội chợ Trung Quốc-ASEAN để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại với các doanh nghiệp trong các thành viên RCEP. Quy tắc xuất xứ khu vực trong khu vực RCEP cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, bố trí công nghiệp linh hoạt, giảm chi phí sản xuất thành phẩm và thúc đẩy hội nhập sâu chuỗi giá trị khu vực.
Vào năm 2022, tổng cộng 673.000 giấy chứng nhận xuất xứ và tuyên bố xuất xứ đã được áp dụng và cấp cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc theo hiệp định RCEP, mang lại lợi ích cho hàng xuất khẩu trị giá 235,3 tỷ nhân dân tệ thông qua thuế quan ưu đãi FTA và miễn trừ 1,58 tỷ nhân dân tệ ưu đãi thuế quan từ các nước nhập khẩu. Trị giá hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi đạt 65,3 tỷ NDT, miễn thuế 1,55 tỷ NDT.
Mặc dù RCEP đã thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường hợp tác chuỗi giá trị khu vực, nhưng vẫn còn dư địa để nâng cấp và cải thiện hơn nữa. Cụ thể:
Trước hết, vẫn còn dư địa để cải thiện các quy tắc thương mại và đầu tư. Do tính đa dạng của khu vực, hiệp định RCEP không thiết lập các chương riêng biệt về môi trường, sự gắn kết pháp lý, tính minh bạch và các khía cạnh khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã làm, và chương về mua sắm chính phủ cũng chưa giải quyết rõ ràng các cam kết về mở cửa thị trường. Chương thương mại điện tử không đề cập đến các quy tắc liên quan đến thương mại điện tử như mã nguồn, luồng dữ liệu xuyên biên giới trong các dịch vụ tài chính và giải quyết tranh chấp trực tuyến. Với việc triển khai RCEP và phát triển chuỗi giá trị khu vực, các thành viên RCEP cần kịp thời xem xét nâng cấp RCEP về các vấn đề sau đường biên giới nêu trên để thúc đẩy tốt hơn sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, hiệp định quy định thời gian chuyển tiếp tương đối dài đối với một số quy tắc quan trọng. Ví dụ, về thương mại dịch vụ, các nước thành viên như New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar cam kết mở cửa thị trường thông qua cách tiếp cận chọn cho. Tuy nhiên, Campuchia, Lào và Myanmar cần đệ trình các cam kết trong danh mục chọn bỏ trong vòng 12 năm và chuyển các cam kết trong danh mục chọn cho sang danh mục chọn bỏ trong vòng 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực.
Thứ ba, cần tăng cường hơn nữa việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do của doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA thực hiện ở khu vực châu Á nhìn chung thấp hơn so với các FTA khác của các nước phát triển, cho thấy các FTA của khu vực châu Á chưa phát huy hết hiệu quả. Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, tỷ lệ sử dụng FTA đối với hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp Philippines theo FTA giữa Nhật Bản và Philippines chỉ là 16,6%, trong khi tỷ lệ sử dụng đối với hàng nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc chỉ là 31,2%... Do đó, khu vực vẫn cần tiếp tục tối ưu hóa các thủ tục xử lý chứng nhận xuất xứ và nâng cao hiệu quả, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp thông tin về các quy tắc thương mại tự do liên quan và không ngừng nâng cao hiệu quả tận dụng FTA.
Trong tương lai, các thành viên RCEP cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng năng lực và đạt được kết nối dữ liệu nguồn gốc trong và giữa 15 quốc gia thành viên RCEP càng sớm càng tốt. Các cuộc đàm phán nâng cấp có liên quan sẽ được triển khai kịp thời để khám phá các quy tắc mới cho hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế. RCEP cũng cần mở rộng thành viên trong khi vẫn duy trì “vai trò trung tâm” của ASEAN trong khuôn khổ FTA khu vực.
Tuyết Minh