Đây là cuộc điều tra lớn tại Ý về việc các công ty thời trang lớn hợp tác với các nhà thầu phụ có điều kiện làm việc tồi tệ.
Theo Reuters, một tòa án Milan (Ý) đã áp lệnh công ty Manufactures Dior SRL - thuộc sở hữu của Christian Dior Italia SRL sau khi các công tố viên cáo buộc rằng công ty này chủ yếu tuyển dụng những người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc và Philippines. Đây là quyết định thứ ba trong năm nay của tòa án Milan về việc giám sát các công ty thời trang lớn liên quan đến vi phạm sử dụng lao động.
Dior gây chấn động, vướng nghi vấn bán hàng gấp 50 lần giá trị thật của sản phẩm |
Theo nguồn tin, công nhân phải ngủ trong xưởng do nhà máy hoạt động 24 giờ, không có ngày nghỉ. Các thiết bị an toàn cũng bị gỡ bỏ khỏi máy móc để tăng tốc độ sản xuất.
Các nhà thầu phụ tiết kiệm chi phí sản xuất đã bán mỗi chiếc túi cho Dior với giá 53 euro (khoảng 1,4 triệu đồng). Những chiếc túi này sau đó được bán trong các cửa hàng Dior với giá 2.600 euro (gần 70 triệu đồng). Cuộc điều tra ảnh hưởng không nhỏ tới một thương hiệu nổi tiếng như Dior.
Ngay sau khi thông tin được lan tỏa, Cộng đồng mạng đồng loạt nổ ra tranh cãi, nhiều người gay gắt cho rằng: “hàng hiệu chỉ là cái hiệu”, “hàng hiệu thì chỉ bán giá trị thương hiệu thôi chứ đâu bán giá trị thật của sản phẩm…”
Việc sử dụng lao động bất hợp pháp không phải là vấn đề mới đối với ngành công nghiệp thời trang. Trước đó, thương hiệu Giorgio Armani cũng đã bị tòa án Milan điều tra vì các vấn đề tương tự tại các nhà máy sản xuất của họ.
Sự việc này cũng phản ánh một vấn đề lớn trong ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, khi nhiều thương hiệu cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách sử dụng lao động rẻ bất hợp pháp, dẫn đến ảnh hưởng danh tiếng và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.