Thương mại Mỹ đang chứng kiến thay đổi lớn nhất trong 20 năm

09/02/2024 - 20:39
(Bankviet.com) Lần đầu tiên trong 20 năm, Mexico vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào Mỹ. Sự dịch chuyển này cho thấy căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang làm thay đổi dòng chảy thương mại như thế nào.
thuongmainytimes4.jpg
Ảnh: Nytimes

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ở giai đoạn căng thẳng nhất, chuỗi cung ứng toàn cầu trục trặc, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tăng gần gấp 10 lần, doanh nhân người Mexico – ông Marco Villarreal đã nhìn thấy cơ hội.

Năm 2021, ông Villarreal đã từ chức Tổng giám đốc của Caterpillar Mexico và bắt đầu củng cố quan hệ với các doanh nghiệp đang có ý định chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Mexico.

Ông tìm thấy một khách hàng ở Hisun. Họ thuê ông để thiết lập cho họ địa điểm sản xuất quy mô 152 triệu USD tại Saltillo - trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc Mexico.

"Triển vọng của Mexico ngày một sáng sủa hơn”, ông Villarreal nói.

Số liệu mới công bố vào ngày thứ Tư cho thấy, lần đầu tiên trong 20 năm, Mexico vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào Mỹ. Sự dịch chuyển này cho thấy căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang làm thay đổi dòng chảy thương mại như thế nào.

Tổng thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, giảm 18,7%. Tổng xuất khẩu của Mỹ ra toàn thế giới tăng nhẹ trong năm 2023, dù rằng đồng USD mạnh và kinh tế toàn cầu giảm tốc tăng trưởng.

Nhập khẩu của Mỹ giảm khi mà người Mỹ giảm mua dầu thô và hóa chất, cũng như hàng tiêu dùng ví như điện thoại di động, quần áo, đồ chơi và nội thất.

Nhập khẩu của Mỹ, cũng như thương mại với Trung Quốc sụt giảm phản ánh đúng các xu thế của đại dịch COVID-19. Người tiêu dùng Mỹ trước đây mua sắm nhiều bởi khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng, họ mua nhiều máy tính xách tay, máy tính để bàn, đồ chơi, bộ xét nghiệm COVID-19, nội thất và nhiều thiết bị gia dụng.

Ngay cả khi mà những nỗi lo về đại dịch COVID-19 hạ nhiệt vào năm 2022, nước Mỹ vẫn nhập khẩu nhiều hàng hóa Trung Quốc, bởi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ cuối cùng đã được giải quyết, đồng thời nhiều doanh nghiệp gia tăng bù đắp cho hàng tồn kho.

“Thế giới đã không thể mua đủ hàng hóa Trung Quốc trong năm 202, vì vậy sang đến năm 2022 họ mua mạnh hàng hóa nước này. Rồi từ đó, tình hình đã dần ổn định”, chuyên gia kinh tế kiêm chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) - ông Brad Setser phân tích.

Tuy nhiên, nếu loại trừ nhiều yếu tố bất thường trong vài năm vừa qua, số liệu thương mại đang cho thấy căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đang làm suy giảm dần mối quan hệ thương mại Mỹ và Trung Quốc.

Ở thời điểm năm 2023, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ gần tương đương với mức của 10 năm trước dù rằng kinh tế Mỹ đã có một thập kỷ tăng trưởng, Mỹ gia tăng nhập khẩu từ nhiều nước khác trên thế giới nhưng không phải từ Trung Quốc.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc thương mại của Mỹ - Trung Quốc sụt giảm có liên quan trực tiếp đến các biện pháp thuế quan mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và sau đó đến Tổng thống Joe Biden áp dụng.

iNghiên cứu của giáo sư Caroline Freund thuộc Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu (SGPS) cho thấy, thương mại của Mỹ với Trung Quốc sụt giảm đối với những loại mặt hàng hiện đang có thuế suất cao, còn thương mại các loại hàng hóa đang có mức thuế suất thấp ví như máy sấy tóc hay lò vi sóng vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Ralph Ossa khẳng định, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không sụp đổ nhưng tăng trưởng thấp hơn đến 30% so với thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Từng có 2 giai đoạn trong lịch sử khi mà thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chững lại đáng kể, theo phân tích của ông Ossa. Lần đầu tiên là khi căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang vào năm 2018. Lần thứ hai là khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, chính vì vậy Mỹ và các nước đồng minh buộc phải áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay, vì vậy làm rắc rối thêm mối quan hệ thương mại toàn cầu.

Đăng Tuấn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ