Tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

13/10/2023 - 20:34
(Bankviet.com) Với mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi, thúc đẩy kinh tế biển Petrovietnam tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ điện gió ngoài khơi

Cơ hội cho Việt Nam

Theo một báo cáo do BVG Associates thực hiện năm 2021 nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất dự kiến 3,5GW nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, trên 40% tỷ trọng trong chuỗi cung ứng cho dự án có thể được thực hiện bởi các công ty tại Việt Nam.

Tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Tiềm năng nội địa hóa trong dự án điện gió ngoài khơi theo Báo cáo “Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế dự án La Gàn”

Ông Trần Xuân Bách - Phụ trách phát triển chuỗi cung ứng của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam tin rằng, có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực khá mới mẻ và hiện đang trong giai đoạn tương đối sơ khai của Việt Nam.

Tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Ông Trần Xuân Bách - Phụ trách phát triển chuỗi cung ứng của CIP tại Việt Nam, phát biểu trong một hội thảo về điện gió ngoài khơi. Ảnh: MH

Cụ thể, các nhà thầu trong nước có thể tham gia vào công tác vận hành và bảo trì tuabin, xây dựng trạm biến áp, lắp đặt cáp biển chiếm gần 24% tổng tỷ trọng dự án. Các hạng mục khác bao gồm chế tạo trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cung cấp móng monopile, dịch vụ cảng cho thi công biển…

Lợi thế gần nhiều cảng biển lớn

Trong tương lai, để phục vụ quá trình xây dựng và lắp đặt, hạ tầng cảng biển cần đáp ứng một số yêu cầu cụ thể, bao gồm: Cảng có trọng tải trên 20.000 DWT; độ sâu mực nước trước bến tối thiểu 10m; chiều dài cầu cảng lý tưởng từ 350-400m; sức chịu tải của mặt cảng, nền bãi từ 10-50 tấn/m2.

Các dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực tỉnh Bình Thuận, tiêu biểu như dự án La Gàn, có lợi thế gần nhiều cảng biển lớn như: Cảng Vĩnh Tân, Cảng Cà Ná, Cảng Cam Ranh đều là các cảng biển nước sâu, phù hợp cho các tàu lớn cập cảng và xếp dỡ hàng hóa. Vị trí cảng ở gần dự án góp phần rút ngắn thời gian di chuyển của tàu vận chuyển – lắp đặt, giúp tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ dự án. Những cảng trên có thể dễ dàng điều chỉnh để phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi, tuy nhiên, cần sớm có kế hoạch và chiến lược đầu tư.

Tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Cảng phục vụ thi công xây lắp cần nâng cấp để phù hợp lắp đặt các thiết bị khổng lồ. Ảnh minh họa

Sau khi hoàn thành xây dựng, công tác vận hành và bảo trì đóng vai trò rất quan trọng, chiếm phần lớn thời gian hoạt động của dự án (25 -35 năm). Trung tâm vận hành và bảo trì cần được xây dựng, đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng cảng cho neo đậu tàu dịch vụ, khu văn phòng làm việc, kho, bãi tập kết vật tư thiết bị. Do các tuabin ngoài khơi thường được theo dõi để vận hành bảo trì hàng ngày, trung tâm vận hành nên được bố trí gần dự án để tàu dịch vụ có thể đi về trong ngày.

Do yêu cầu đặc thù của dự án điện gió ngoài khơi, cảng đầu tiên chuyển dịch sẽ có ưu thế trở thành cảng trung tâm của khu vực, đồng thời sẽ thu hút các công ty, nhà máy trong chuỗi cung ứng tập trung về khu vực này để sản xuất, cung cấp dịch vụ phục vụ dự án. Cảng Esbjerg ở Đan Mạch là một ví dụ điển hình về việc mở rộng năng lực phục vụ từ một dự án lên hàng loạt dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực.

Sản xuất tuabin và móng monopile

Với xu hướng tăng công suất của các tuabin điện gió ngoài khơi, công suất tuabin của các dự án sắp tới có thể lên đến trên 16MW. Hiện nay, Việt Nam đã có nhà máy sản xuất tháp tuabin và tuabin điện gió trên bờ công suất trung bình. Tuy nhiên, một số nhà máy cũng có kế hoạch mở rộng để sản xuất tháp tuabin lớn hơn phục vụ các dự án trong nước và khu vực.

Cánh tuabin điện gió ngoài khơi có kích thước rất lớn và thường có chi phí vận chuyển khá cao. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất cánh tuabin cho điện gió ngoài khơi. Việc phát triển ngành điện gió ngoài khơi sẽ tạo động lực để xây dựng nhà máy sản xuất cánh tuabin tại Việt Nam như một giải pháp để giảm chi phí vận chuyển và chủ động tiến độ sản xuất. Các nhà cung cấp tuabin sẽ chỉ xây dựng nhà máy khi họ bắt đầu có đơn hàng từ một loạt dự án và có sự chắc chắn nhất định về số lượng cũng như công suất của các dự án trong tương lai.

Việt Nam có nhiều khu vực biển có mực nước nông, đáy biển bằng phẳng và địa chất tương đối phù hợp với dạng móng monopile (dạng móng rẻ và dễ chế tạo nhất). Việt Nam có nhiều lợi thế để đầu tư nhà máy sản xuất móng monopile nhờ kinh nghiệm sẵn có trong ngành dầu khí và sản xuất kết cấu thép. Với lực lượng lao động lành nghề và chi phí cạnh tranh, khả năng chuyển dịch nguồn lao động này sang sản xuất móng monopile là tương đối dễ dàng.

Các quyết định hỗ trợ khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi cần được đưa ra nhằm đảm bảo sự chắc chắn cần thiết trước khi đầu tư vào chuỗi cung ứng trong nước. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, sự chủ động kế hoạch sản xuất của các nhà cung ứng trong nước, nếu Việt Nam bắt đầu ngay vào việc nghiên cứu và phát triển chuỗi cung ứng nội địa sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của các địa phương và giúp Việt Nam thành công trong việc chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương