Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, Công ty CP Bột giặt Lix (HOSE: LIX) nổi bật với kết quả kinh doanh đầy ấn tượng trong năm 2024. Là công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu 51%, Lixco ghi nhận doanh thu quý IV giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống còn 703 tỷ đồng.
Hình minh họa |
Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, cùng với tiết giảm chi phí bán hàng, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 35% so với cùng kỳ 2023, đạt 62 tỷ đồng.
Tính chung cả năm, doanh thu của Lixco tăng nhẹ lên 2.876 tỷ đồng, mức cao thứ hai trong lịch sử công ty. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 60%, đạt gần 202 tỷ đồng, xếp hạng cao thứ ba kể từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tính đến thời điểm cuối năm 2024, quy mô tổng tài sản của Lixco đạt gần 1.400 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm 585 tỷ đồng, tăng 21% trong một năm. Lợi nhuận chưa phân phối của công ty hiện đạt 192 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 648 tỷ đồng.
Lixco được biến đến là doanh nghiệp có lịch sử lâu đời, tiền thân là Kỹ nghệ hóa phẩm Huân Huân được thành lập năm 1972, trước khi chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 1992. Công ty hiện cung cấp các sản phẩm như bột giặt, nước giặt, nước rửa chén và nước tẩy Javel. Sản phẩm của Lixco có mặt tại các hệ thống bán lẻ lớn như Co.op Mart, Big C, Mega Market, Lotte, Aeon, Winmart và Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, công ty còn hợp tác sản xuất nhãn hàng riêng cho các nhà bán lẻ hàng đầu.
Trong khi đó, một doanh nghiệp khác trong ngành là Công ty CP Bột giặt Net (HNX: NET) - Một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan với tỷ lệ sở hữu hơn 52% cũng có kết quả kinh doanh khả quan dù phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu. Báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy doanh thu thuần của Bột giặt Net đạt gần 480 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, giá vốn cũng giảm từ 377 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước xuống còn 356,6 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ quản lý chi phí hiệu quả, trong đó cả 3 khoản chi phí gồm chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều được tiết giảm. Đáng chú ý, riêng chi phí bán hàng giảm mạnh tới 73,4 %, từ mức 100 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước nay chỉ còn 26,6 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng mạnh 38%, đạt gần 72 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu của Công ty giảm chủ yếu đến từ sự sụt giảm mạnh của bột giặt và nước rửa chén, trong khi nước giặt vẫn duy trì ổn định. Chi phí hoạt động giảm đáng kể đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước thuế tăng 57%. Tuy vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 42% do thu nhập tài chính thấp hơn so với cùng kỳ.
Tính lũy kế cả năm 2024, Bột giặt Net đạt doanh thu thuần hơn 1.650 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 10%, còn 427 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì quanh mức 26%. Đáng chú ý, chi phí bán hàng giảm mạnh từ 244 tỷ đồng xuống 143 tỷ đồng nhờ cắt giảm các chi phí khuyến mãi, quảng cáo và nhân sự. Nhờ vậy, công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục gần 207 tỷ đồng.
Bột giặt Net hiện có lợi nhuận chưa phân phối đạt 276 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ gần 224 tỷ đồng. Công ty cũng có sự tham gia sở hữu của Vinachem với tỷ lệ 36%.
Vĩnh Hoàn báo doanh thu tháng 11 đạt gần nghìn tỷ: Thị trường Mỹ tăng tốc, nội địa lại "hụt hơi" Vĩnh Hoàn công bố doanh thu tháng 11/2024 đạt 968 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ ghi nhận ... |
Chi phí sửa chữa lớn và sản lượng điện giảm, Nhiệt điện Hải Phòng báo lỗ quý IV/2024 Nhiệt điện Hải Phòng (HND) ghi nhận lỗ sau thuế 246 triệu đồng trong quý IV/2024, nguyên nhân chính do chi phí sửa chữa lớn ... |
Thu Hà