TikTok Shop lấn sâu thị phần, Shopee hụt hơi trong cuộc đua thương mại điện tử quý 1/2025
Tăng trưởng doanh số mạnh mẽ đã giúp TikTok Shop chiếm tới 35% thị phần, trong khi Shopee bắt đầu chững lại dù vẫn giữ vị trí dẫn đầu.

Theo báo cáo mới nhất từ nền tảng dữ liệu Metric.vn, tổng doanh thu quý 1/2025 từ 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam (Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki) đạt hơn 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Khoảng 950 triệu sản phẩm đã được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm.
Điểm đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng của TikTok Shop. Sàn thương mại điện tử này ghi nhận mức tăng doanh số lên đến 113,8%, qua đó nâng thị phần từ 23% lên 35%. Trong khi đó, Shopee dù vẫn tăng trưởng 29,3%, nhưng lại để mất thị phần, từ 68% xuống còn 62%.
Các sàn khác như Lazada và Tiki chịu mức giảm lần lượt 43,5% và 66,6% doanh số, cho thấy sức cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng khi người tiêu dùng ngày càng chuyển hướng sang trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí qua video ngắn.

Báo cáo cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về số lượng shop đang hoạt động có đơn hàng phát sinh, giảm hơn 38.000 shop so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng shop đạt doanh số cao lại tăng, nhất là nhóm có doanh số trên 50 tỷ đồng tăng gần gấp đôi (95%) so với quý 1/2024. Điều này cho thấy xu hướng thị trường đang dịch chuyển, các nhà bán nhỏ lẻ dần rút lui, nhường sân chơi cho các shop lớn có hệ thống vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đáng chú ý, các shop Mall chính hãng – mặc dù chỉ chiếm 3% tổng số cửa hàng – lại chiếm tới 26,7% tổng doanh số toàn ngành trên Shopee và TikTok Shop. Điều này phản ánh rõ xu hướng tiêu dùng hiện đại: khách hàng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo từ các thương hiệu uy tín. Shop Mall đang trở thành lực đẩy tăng trưởng quan trọng của sàn thương mại điện tử, cả về doanh thu lẫn lòng tin người tiêu dùng.
Nhóm hàng nhập khẩu cũng đang tạo ra sức ép đáng kể lên các nhà bán nội địa. Với doanh số đạt 3.600 tỷ đồng và hơn 80 triệu sản phẩm được bán ra trong quý 1/2025, hàng nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng 12,2% về giá trị và 7,18% về sản lượng. Tuy chiếm chưa đầy 6% thị phần, nhưng nhóm hàng này vẫn thu hút người dùng nhờ mức giá rẻ, mẫu mã phong phú và phù hợp thị hiếu. Giá trị trung bình mỗi sản phẩm chỉ khoảng 45.000 đồng, cho thấy người tiêu dùng ngày càng chuộng mua sắm tiết kiệm, số lượng lớn, buộc các nhà bán nội địa phải linh hoạt hơn trong chiến lược giá và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Các ngành hàng làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về doanh số, lần lượt đạt 18.000 tỷ, 13.800 tỷ và 11.900 tỷ đồng. Trong khi đó, phân khúc sản phẩm có giá từ 100.000 đến 200.000 đồng tiếp tục tăng thị phần từ 22,7% lên 25,9%, khẳng định xu hướng mua sắm thiên về hàng tầm trung, giá hợp lý. Trái lại, các sản phẩm giá cao trên 1 triệu đồng lại giảm từ 19,4% xuống còn 17,2% thị phần doanh số.
Top 10 thương hiệu có doanh thu cao nhất trong quý này chủ yếu đến từ ngành hàng làm đẹp. Dù vẫn giữ thứ hạng cao, nhưng một số “ông lớn” công nghệ như Samsung và Xiaomi lại ghi nhận mức sụt giảm doanh thu lần lượt 28,4% và 17,1%. Riêng Apple vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu với mức tăng trưởng đáng kể khoảng 58,3% so với cùng kỳ.
Bước sang quý 2/2025, Metric.vn dự báo doanh số toàn ngành có thể đạt khoảng 116,6 nghìn tỷ đồng, sản lượng đạt 1,112 triệu sản phẩm, tăng lần lượt 15% và 17% so với quý đầu năm. Mức tăng này đến từ nhiều yếu tố tích cực như các chương trình khuyến mãi giữa năm (mid-year sale, lễ hội sale hè), xu hướng mua sắm trực tuyến dần ổn định, cũng như sự chuyển dịch rõ rệt sang các ngành hàng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống logistics, dịch vụ giao hàng nhanh, livestream bán hàng và các công cụ hỗ trợ nhà bán, nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu hiệu suất chuyển đổi đơn hàng. Tất cả những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ giúp thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi và bứt phá trong quý 2/2025.