Tổng dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. |
Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm 31/12/2022, có 5 ngân hàng gồm Techcombank, VPBank, SHB, MB, TPBank ghi nhận tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất.
Nguy cơ nợ xấu gia tăng
Cụ thể, Techcombank là ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao nhất, gần 109.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm. Đây đồng thời là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng cho vay khách hàng cao nhất, hơn 26%. Đứng kế sau là VPBank với dư nợ cho vay bất động sản đạt 67.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, dư nợ cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở là 82.922 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ 2 hoạt động này là 150.515 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng dư nợ ngân hàng.
Tương tự, tại SHB dư nợ cho vay bất động sản là 31.493 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 6,75% tổng dư nợ; TPBank là 20.588 tỷ đồng, chiếm 12,7% dư nợ; MB cũng có dư nợ cho vay xấp xỉ 21.400 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm 2022.
Với các nhà băng khác thuộc top 10 niêm yết, cũng có những con số vay ấn tượng. Có thể kể đến như BIDV là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ của ngân hàng; tại Vietcombank hiện dư nợ cho vay bất động sản đối với cá nhân khoảng 90% tổng tín dụng cho bất động sản, 10% còn lại là cho vay doanh nghiệp bất động sản, trong đó tập trung các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tại lĩnh vực bất động sản vẫn có xu hướng đi lên nhưng thị trường lại đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu gia tăng.
Tại báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng năm 2023, Công ty CK SSI đã đưa ra dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng 0,26 % lên 1,71% tại các ngân hàng, với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 1,3% (từ khoảng 1% trong giai đoạn 2020-2022) dưới tác động của lãi suất cho vay cao hơn.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành xuất nhập khẩu cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp.Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.Dù phải đối mặt với nhiều áp lực nhưng trước mong muốn được giãn, hoãn nợ của các doanh nghiệp bất động sản các ngân hàng lại tỏ ra khá thận trọng.
Đứng trước mong muốn được giãn, hoãn nợ của các doanh nghiệp bất động sản các ngân hàng lại tỏ ra khá thận trọng. |
Tiến thoái lưỡng nan
Khẳng định lại những rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt với lĩnh vực bất động sản, tại Hội nghị Tín dụng bất động sản,bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đã chỉ ra những điểm cần lưu ý về tín dụng bất động sản trong thời gian vừa qua.
Đầu tiên phải kể tới rủi ro chênh lệch kỳ hạn. Hiện có khoảng 94% dư nợ bất động sản thời gian từ 10-25 năm, trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn). Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản.
Thứ hai, tình trạng tín dụng bất động sản tập trung tại một số tổ chức tín dụng, với tốc độ tăng trưởng cao. Một số tổ chức tín dụng cũng cấp tín dụng lớn với một số nhóm khách hàng, trong đó có không ít khách hàng đầu tư dàn trải, nhiều dự án dở dang.
Thứ ba, tín dụng bất động sản tập trung chủ yếu ở mục đích tự sử dụng và có sự tăng trưởng rất cao trong thời gian qua... Mặc dù mục đích này theo thống kê là hướng tới nhu cầu thực và được đánh giá rủi ro ít hơn mục đích kinh doanh bất động sản, song tiềm ẩn rủi ro khách hàng kê khai, mục đích để phục vụ nhu cầu mua nhà để ở nhưng bản chất là để đầu tư kinh doanh.
Thứ tư, trong năm 2022, tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng nhích dần lên, đến nay là 1,81% (năm 2021 là 1,67%).
Thứ năm, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội còn chiếm tỷ trọng nhỏ (chỉ chiếm 0,71% tổng dư nợ tín dụng bất động sản) do thời gian qua, nguồn cung nhà ở phân khúc này còn thấp. Cùng đó, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai cho vay đối với nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.
Tuy nhiên, đứng trước mong muốn được giãn, hoãn nợ của các doanh nghiệp bất động sản các ngân hàng lại tỏ ra khá thận trọng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng – quyền Tổng giám đốc Vietinbank, nếu ngành bất động sản xin giãn nợ, tái cơ cấu nợ được thì các ngành khác cũng sẽ có lý do để xin giãn nợ, tái cơ cấu nợ. Điều đó cũng không đảm bảo nguyên tắc công bằng trên thị trường. Ngoài ra, nếu giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, ngân hàng sẽ không đáp ứng chuẩn basel II, từ đó các định chế nước ngoài sẽ đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam.
Quang Đăng