Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 100 tỷ đồng Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Vẫn phải giữ hạn mức tín dụng Thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản: Cần tập trung gỡ rào cản pháp lý |
Nợ xấu bất động sản tỉ lệ thuận với tăng tín dụng của lĩnh vực này
Thông tin được bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội do NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức sáng 13/11, tại Hà Nội.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đánh giá thị trường BĐS và bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp |
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai tích cực Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường BĐS và tín dụng BĐS, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án BĐS và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong hoạt động tín dụng BĐS.
Theo NHNN, tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong đó, tính đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dự đối với nền kinh tế; tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường BĐS có mối quan hệ với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó, nếu thị trường này hoạt động an toàn, bền vững sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian qua, khi thị trường này gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt các giải pháp, thành lập tổ tháo gỡ khó khăn của thị trường này.
Riêng đối với lĩnh vực BĐS, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững. “Sau khi thực hiện nhiều giải pháp, thị trường này đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nếu thị trường được hanh thông sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Liên quan tới con số tăng trưởng tín dụng BĐS, bà Hà Thu Giang thông tin thêm, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng cao (21,86%) hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là nợ xấu của tín dụng BĐS tính đến tháng 9/2023 là 2,89%, tăng mạnh so với mức 1,72% thời điểm cuối năm 2022.
Riêng với chương trình 120.000 tỷ đồng, khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia. Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các ngân hàng thương mại thẩm định. Do đó, việc triển khai chương trình còn chưa được như dự kiến.
5 giải pháp cụ thể cho tín dụng bất động sản
Thị trường BĐS hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; Sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, điểm yếu cố hữu được chỉ ra là năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...
Bà Giang cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, tín dụng cho BĐS sẽ được ngành ngân hàng tập trung vào 5 giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Thứ ba, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.
Thứ năm, tăng cường công tác, giám sát; phòng chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD.
Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02: Tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn, doanh số giải ngân của Chương trình là 29.679 tỷ đồng cho hơn 53.000 cá nhân, hộ gia đình. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của Chương trình là 6.276 tỷ đồng; NHCSXH cũng triển khai 05 chương trình cho vay liên quan tới bất động sản với tổng dư nợ 27.005 tỷ đồng chiếm 8,71% trên tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH với trên 240 ngàn khách hàng đang vay vốn; Chương trình 120.000 tỷ đồng, đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình của 22 UBND các tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho 3 dự án với số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng |
Thùy Linh