Việt Nam sắp có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng Nguồn cung thuốc điều trị tay chân miệng bao giờ về đến Việt Nam? |
So với cùng kỳ năm 2022, cả số mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng đều tăng. Riêng trong tuần 36/2023 cả nước ghi nhận 4.324 trường hợp mắc tay chân miệng, 1 tử vong tại Đắk Lắk. Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện đã ghi nhận 21 ổ dịch tay chân miệng.
Nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh
Đánh giá của TS.BS Trần Thị Thúy Minh - Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện tại số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng gia tăng nhiều, hầu hết các trẻ đều mắc tay chân miệng type Enterovirus 71 (EV71). Đây là type virus có độc tính rất mạnh, nhiều khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương gây nên các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong ở trẻ. Do đó, khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Cả nước đã ghi nhận hơn 80.700 ca mắc tay chân miệng |
Theo ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga – Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương: Có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay Khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng….
Bệnh tay chân miệng thường gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12, trùng với thời điểm học sinh tựu trường. Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với bệnh tay chân miệng, cần quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, cùng đó luôn giữ tay sạch cho trẻ; đối với người trông trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch.
Bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 - 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.
Trước tình hình đánh giá, dự báo về dịch bệnh, từ đầu năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh và đã gửi các địa phương trên toàn quốc để từ đó các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn (bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành đến các vấn đề chuyên môn, truyền thông và các hoạt động khác).
Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà
Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng 8-10 ngày khi được chăm sóc và điều trị đúng cách. Các bác sĩ cũng khuyến cáo một số lưu ý về cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà:
Đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày: Sốt do tay chân miệng kèm theo các triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói hay tình trạng đau khi nuốt do các vết loét trong miệng khiến trẻ lười uống nước, cơ thể mất nước nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm do mất nước gây ra. Vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường.
Khi sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng, loại thuốc phù hợp với thể trạng sức khỏe của trẻ. Paracetamol 10-15mg/kg/lần là loại thuốc thường được sử dụng cho trẻ bị tay chân miệng. Lưu ý, thuốc không được dùng cho trẻ dưới 2 tháng tuổi và không dùng quá 5 lần/ngày. Mỗi liều dùng cách nhau 4-6 giờ.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý, tắm rửa, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày và chăm sóc tổn thương ngoài da bằng các dung dịch sát khuẩn nhằm tránh bội nhiễm khi nốt mụn nước bị vỡ.
Các vật dụng cá nhân nên được vệ sinh riêng và sát khuẩn bằng nước sôi hoặc dung dịch chuyên dụng.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết cho trẻ mỗi ngày: Nên cho trẻ ăn những món ăn mềm, dạng lỏng, dễ tiêu hóa, dễ nuốt; không nên cho trẻ ăn các loại trái cây gây ảnh hưởng đến nốt mụn nước, thực phẩm không lành mạnh, thức ăn nhanh, đồ cay nóng, đồ chế biến sẵn….
Một số lỗi phụ huynh dễ mắc phải khi chăm trẻ
ThS. BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tư vấn một số lỗi khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, đó là: Nhiều phụ huynh có quan điểm kiêng gió, kiêng nước cho trẻ bị tay chân miệng sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng, vì khi mắc bệnh, trẻ sốt, đổ nhiều mồ hôi và các dịch tiết từ các nốt phỏng khi chúng bị vỡ ra là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm trùng, bội nhiễm.
Khi trẻ sốt, nhất là khi sốt kèm triệu chứng ớn lạnh, run, nhiều phụ huynh sẽ giữ ấm cho trẻ kỹ hơn. Tuy nhiên, lúc này, trẻ nên được mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, có độ thấm hút tốt, cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ…
Tay chân miệng khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, hơn nữa, tình trạng các nốt phỏng nước mọc bên trong miệng có thể khiến trẻ cảm thấy đau khi nuốt, từ đó, khiến trẻ ăn không ngon miệng, biếng ăn. Bố mẹ lưu ý không bắt ép trẻ ăn vì điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, gây ám ảnh cho trẻ mỗi khi đến bữa ăn, tình trạng sức khỏe trở nên nặng hơn.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng: Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Trẻ có thể quấy khóc nhiều (ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp); cùng một số hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng… |
Tâm An