Tính cấp thiết của công tác phòng chống rửa tiền và phòng, chống tội phạm tài chính luôn cần được đặt lên hàng đầu

21/06/2024 - 20:50
(Bankviet.com) Sáng ngày 30/5, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Ngân hàng Wells Fargo tổ chức Chương trình đào tạo với chủ đề “Tội phạm tài chính, phòng chống rửa tiền, cấm vận và thanh toán quốc tế trong hoạt động ngân hàng”.
toan-canh-300524.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tính cấp thiết của công tác phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm tài chính luôn cần được đặt lên hàng đầu

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA, cho biết: Thời gian qua, bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động, đặt ra các thách thức về rủi ro tuân thủ tài chính, đồng thời, nhiều loại hình tội phạm tài chính mới xuất hiện.

Đi cùng việc các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mang đến những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng thì tình hình tội phạm tài chính ngày càng gia tăng dẫn đến nguy cơ các tổ chức tín dụng (TCTD) bị lợi dụng. Vì vậy, tính cấp thiết của công tác phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm tài chính luôn cần được đặt lên hàng đầu.

Việt Nam được Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) ghi nhận những thay đổi tích cực trong khung khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền. Cụ thể, thời gian vừa qua, Việt Nam đã ban hành: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022; Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền; Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

b25b6f3910ecb0b2e9fd.jpg
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám Đốc Trung Tâm Đào Tạo VNBA, phát biểu khai mạc Hội thảo

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Sơn các ngân hàng cũng đã chủ động nghiên cứu, trang bị các giải pháp, ứng dụng công nghệ, dữ liệu datafile hỗ trợ xác thực thông tin khách hàng/chủ tài khoản ngân hàng; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đăng ký mở tài khoản và sử dụng tài khoản.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã thành lập bộ phận chuyên trách phòng, chống rửa tiền. Sự quan tâm của ban lãnh đạo ngân hàng đối với vấn đề này ngày càng lớn, quy mô phát triển của phòng ban chuyên trách ngày càng tăng. Ngành ngân hàng quyết tâm thay đổi nhận thức cho toàn bộ hệ thống về phòng, chống rửa tiền và xác định cần chủ động trước cả khi các quy định ban hành, dựa trên các thông lệ quốc tế. Ngoài ra, việc tăng cường bảo mật eKYC, tăng cường kết nối với Bộ Công an là hết sức cần thiết. Bộ Công an và NHNN đã ban hành kế hoạch thực hiện, định hướng thời gian tới sẽ thực hiện theo kế hoạch này.

Tình trạng tội phạm tài chính thuộc lĩnh vực ngân hàng ngày càng gia tăng

Bà Trịnh Hoàng Linh, Trưởng VPĐD Ngân hàng Wells Fargo tại Hà Nội cho biết, tình trạng tội phạm tài chính thuộc lĩnh vực ngân hàng ngày càng tinh vi và gia tăng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ ngân hàng mà còn khách hàng của ngân hàng. Ngoài ra, các diễn biến phức tạp hiện nay về địa chính trị trên toàn cầu dẫn đến vấn đề lệnh cấm vận ngày càng mở rộng, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải đầu tư rất nhiều về hệ thống, con người, đào tạo kiến thức để tuân thủ đúng, bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán cũng như các giao dịch về tài trợ thương mại, các giao dịch liên quan đến ngân hàng quốc tế...

miss-300524.jpg
Bà Trịnh Hoàng Linh, Trưởng VPĐD Ngân Hàng Wells Fargo tại Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo

"Năm 2024 là năm "bản lề" về các thay đổi trong lĩnh vực thanh toán quốc tế như ISO 20022, API và chuyển đổi số... Đây là những vấn đề rất cấp thiết", bà Trịnh Hoàng Linh nhấn mạnh.

Trưởng VPĐD Ngân hàng Wells Fargo tại Hà Nội cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc với sự quan tâm chặt chẽ và chỉ đạo sát sao của NHNN cũng như Cục Phòng, chống rửa tiền liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và thanh toán quốc tế. Các đối tác của Wells Fargo tại Việt Nam đã có những thay đổi và hiểu biết đáng kể về các vấn đề này. Các chuyên gia quốc tế cũng ấn tượng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tội phạm tài chính và phòng, chống rửa tiền và đặc biệt là kiểm soát lệnh cấm vận đang ngày càng mở rộng.

Tội phạm tài chính - các xu hướng và nguy cơ mới nổi

Tại phiên chuyên đề, các chuyên gia của Ngân hàng Wells Fargo đã chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình tội phạm tài chính cũng như những xu thế, nguy cơ mới nổi lên gần đây liên quan đến tội phạm rửa tiền, tội phạm lừa đảo có tổ chức trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ về những nguy cơ, rủi ro cấm vận trong bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.

mr-300524.jpg
Ông Tyler Pederson, Giám đốc khu vực APAC về Rủi ro tội phạm tài chính, Khối ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư của Wells Fargo, trình bày tại Hội thảo

Tội phạm tài chính và lệnh cấm vận của Cơ quan Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ

Liên quan đến tội phạm tài chính và lệnh cấm vận của OFAC, ông Tyler Pederson, Giám đốc khu vực APAC về Rủi ro tội phạm tài chính, Khối ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư của Wells Fargo, khuyến nghị, các ngân hàng/tổ chức tài chính có thể thiết kế một bảng câu hỏi dành cho khách hàng nhằm phát hiện khách hàng có rủi ro nằm trong diện trừng phạt hoặc cấm vận. Sau đó lập hồ sơ khách hàng để tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm, dịch vụ của khách hàng.

Bên cạnh đó, cần giảm thiểu rủi ro tức là thẩm định khách hàng kỹ càng hơn và phải biết tự bảo vệ chính mình tránh các giao dịch điều tra trong tương lai, luôn chuẩn bị sẵn sàng các báo cáo tài chính cụ thể.

Pig Butchering - "vỗ béo để giết thịt"

Chia sẻ một số hình thức tội phạm tài chính đang gia tăng gần đây, ông Hiten Shah, chuyên gia cấp cao khu vực APAC về Rủi ro tội phạm tài chính, Khối Ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư của Wells Fargo Bank cho biết, hình thức "vỗ béo để giết thịt" (Pig Butchering) là hình thức lừa đảo khiến nhiều người sập bẫy và trở thành nạn nhân. Vì đây là hình thức được xây dựng kịch bản chi tiết trong thời gian dài để dụ dỗ nạn nhân và có nhiều kịch bản khác nữa để nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản.

Hình thức này đã được đối tượng lên kịch bản và phân công nhau như: Tìm kiếm nạn nhân, xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và cũng có thể kết hợp với các vụ lừa đảo tình cảm đã phát triển rầm rộ trong nhiều năm trước.

Hình thức này được báo cáo chính thức vào năm 2019 tại Trung Quốc, sau đó ngày càng mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Các tổ chức tài chính báo cáo có nhiều nạn nhân đã bị dụ dỗ và các trường hợp, vụ việc được phát hiện bắt nguồn phần lớn từ các tổ chức tội phạm ở khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, các hình thức lừa đảo đã được kết hợp với nhiều hình thức khác và các tổ chức, kết hợp với cùng nhiều mạng xã hội khác như: Facebook, Linkedin… nhằm tiếp cận nạn nhân và lấy thiện cảm, lòng tin, xây dựng mối quan hệ thân thiết… Phương pháp thường khá đơn giản, tiếp cận, trò chuyện và thành bạn thân của nạn nhân. Tại Việt Nam, Báo cáo gian lận năm 2024 cho thấy số lượng lừa đảo theo hình thức này ngày càng gia tăng.

Trước bối cảnh đó, chuyên gia khuyến nghị các ngân hàng, tổ chức tài chính nên thực hiện các biện pháp phòng, chống lừa đảo tội phạm tài chính như sau:

Thứ nhất, tiến hành kiểm tra nâng cao đối với khách hàng mới tạo tài khoản cho các doanh nghiệp đầu tư.

Thứ hai, áp dụng thẩm định nâng cao đối với các mối quan hệ kinh doanh và giao dịch được thực hiện thông qua khu vực pháp lý có rủi ro cao.

Thứ ba, thiết lập chính sách để ngăn chặn giao dịch tiếp theo của nạn nhân hoặc đóng băng tài khoản bị nghi ngờ lừa đảo.

Thứ tư, nâng cao nhận thức của người dân về các vụ lừa đảo cũng như mục đích rõ ràng để đảm bảo việc chuyển tiền diễn ra hợp pháp.

Thứ năm, thực hiện các kỹ thuật phân tích hành vi để phát hiện và báo cáo những sai lệch so với hành vi thông thường của khách hàng.

Thứ sáu, áp dụng công nghệ phân tích chuỗi khối, công cụ máy học và phần mềm cảnh báo để giám sát giao dịch.

Thứ bảy, tiến hành đào tạo thường xuyên cho cán bộ nhân viên để nâng cao nhận thức về hoạt động đáng ngờ liên quan đến hình thức lừa đảo "vỗ béo" và những nguy cơ liên quan đến hình thức này.

Thứ tám, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật để hỗ trợ điều tra và thu hồi các khoản tiền gian lận.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ