Theo thông tin từ Sở GTVT Thanh Hóa, nhà ga hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại tỉnh này dự kiến được đặt tại phường Đông Tân, TP Thanh Hóa. Vị trí nằm trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/200 khu vực số 04 thuộc Quy hoạch chung đô thị TP Thanh Hóa, với diện tích 8,1ha, phía đông giáp đường Vành đai phía Tây.
Cụ thể, nhà ga sẽ nằm ở khu vực giao nhau giữa đường Vành đai phía Tây và đường Lại Thế Long (hay còn gọi Đường Vạn Lại - Yên Trường), ngay cạnh bến xe trung tâm TP Thanh Hóa. Dự án bến xe này có diện tích 9,9ha với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, hiện chưa khởi công xây dựng.
Theo hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi đến Thanh Hóa sẽ từ khu vực núi Tam Điệp, di chuyển về phía Nam, vượt sông Mã cách cầu Hàm Rồng khoảng 4,3km về phía thượng lưu trước khi tiến về ga Thanh Hóa. Với chiều dài khoảng 95,2km đi qua tỉnh, tuyến đường này sẽ chạy qua 8 huyện, thị xã, thành phố.
Thanh Hóa dự kiến đặt ga đường sắt tốc độ cao tại phường Đông Tân, TP Thanh Hóa |
Bên cạnh nhà ga tại Đông Tân, tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm một nhà ga khác quy hoạch tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Các trạm bảo dưỡng tuyến đường sẽ được bố trí tại Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa), Thăng Bình (huyện Nông Cống), và Tân Trường (thị xã Nghi Sơn).
Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã giao các ngành chức năng nghiên cứu bố trí quỹ đất xung quanh khu vực ga hành khách để phát triển khu đô thị bền vững. Các khu đô thị này được quy hoạch theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), lấy giao thông công cộng làm hạt nhân phát triển.
Định hướng này không chỉ thúc đẩy sử dụng các phương tiện công cộng mà còn hỗ trợ kết nối đường sắt đô thị, quốc gia và tốc độ cao, tạo ra các khu chức năng thân thiện với môi trường, góp phần phát triển đô thị hiện đại.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Tuyến đường sắt đôi này được thiết kế khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ tối đa 350km/h, với tổng mức đầu tư 67,34 tỷ USD.
Dự án có nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha, số dân cần tái định cư 120.836 người. Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa hạ tầng giao thông quốc gia.
Thanh Hóa đã và đang ghi nhận những kết quả khả quan về tăng trưởng kinh tế. 9 tháng đầu năm 2024, GRDP Thanh Hóa đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước, sau Bắc Giang. Tổng thu NSNN đạt trên 43.000 tỷ đồng, dẫn đầu miền Trung – Tây Nguyên, vượt 20% dự toán cả năm và tăng 44,7% so với cùng kỳ, tỉnh đang phấn đấu hết năm 2024 sẽ thu trên 50.000 tỷ đồng.
Thu hút FDI của Thanh Hóa đạt gấp 1,8 lần so với số dự án và tăng 26% về vốn đăng ký. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của địa phương này đạt 66,6% kế hoạch Thủ tướng giao.
Kiều Linh