Tỉnh miền Trung không thuộc diện sáp nhập có món đặc sản nghe tên thấy lạ tai, chịu ảnh hưởng đáng kể từ ẩm thực Pháp

19/05/2025 - 18:18
(Bankviet.com) Không nằm trong diện sáp nhập, tỉnh miền Trung này được nhớ đến với một đặc sản “ngọt ngào" không thể lẫn vào đâu được.
Thương hiệu

Tỉnh miền Trung không thuộc diện sáp nhập có món đặc sản nghe tên thấy lạ tai, chịu ảnh hưởng đáng kể từ ẩm thực Pháp

Thanh Hằng 19/05/2025 17:00

Không nằm trong diện sáp nhập, tỉnh miền Trung này được nhớ đến với một đặc sản “ngọt ngào" không thể lẫn vào đâu được.

Ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 11, khóa XIII. Theo danh sách kèm theo về dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị – hành chính sau khi sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh không thuộc diện thực hiện sáp nhập và trung tâm chính trị – hành chính vẫn đặt tại tỉnh Hà Tĩnh như hiện nay.

cudo.png
Kẹo Cu Đơ - món ăn, đặc sản nổi tiếng khi nhắc đến Hà Tĩnh

Nói đến Hà Tĩnh là nói đến kẹo cu đơ nổi tiếng. Đây là một món đặc sản truyền thống của địa phương, được làm từ mật mía, gừng, đậu phộng và bánh tráng. Kẹo cu đơ có hương vị ngọt, bùi và thơm đặc trưng, được nhiều người yêu thích.

Kẹo cu đơ vốn gắn liền với tên tuổi của ông Đinh Vy, còn gọi là Cu Hai, Đinh Hai, người huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm ra từ thời Pháp thuộc, nên ban đầu được gọi là kẹo Cu Hai. Trải qua thời gian, chịu ảnh hưởng một phần từ văn hóa ẩm thực Pháp, trong đó có yếu tố phát âm theo tiếng Pháp, khi “deux” nghĩa là “hai” – cái tên kẹo “cu đơ” dần trở nên phổ biến trong dân gian.

Dù có xuất xứ từ Hương Sơn, nhưng ngày nay trung tâm sản xuất kẹo cu đơ chủ yếu tập trung ở TP Hà Tĩnh, trong đó nổi bật nhất là cơ sở của ông bà Thư – Viện, được nhiều du khách và người dân địa phương biết đến.

Bà Đặng Thị Hương, chủ cơ sở kẹo cu đơ ông bà Thư – Viện, cho biết gia đình bà bắt đầu làm kẹo từ năm 1980. Ban đầu, kẹo cu đơ chỉ được làm để dùng trong nhà và chia sẻ với hàng xóm lân cận. Tuy nhiên, do nhiều người yêu thích và hỏi mua, gia đình quyết định làm nhiều hơn để bán ra thị trường.

Bà Hương chia sẻ, trải qua 45 năm, ba thế hệ trong gia đình đã nối tiếp nhau gìn giữ và phát triển nghề làm kẹo cu đơ. Người ta vẫn quen gọi cơ sở là ‘kẹo cu đơ ông bà Thư – Viện 2 cây dừa cụt’, bởi ngày trước, trước cổng nhà có hai cây dừa bị cụt ngọn. Cái tên mộc mạc ấy đến nay vẫn in sâu trong ký ức của nhiều người.

Làm kẹo cu đơ là một quy trình đòi hỏi nhiều nguyên liệu và công đoạn tỉ mỉ, mỗi cơ sở lại có bí quyết chế biến riêng. Với thương hiệu cu đơ ông bà Thư – Viện, công thức truyền thống gần như không thay đổi suốt nhiều thập kỷ qua. Nguyên liệu chính gồm đậu phộng, mật mía được lấy từ huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), còn bánh đa và gừng đến từ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) – tất cả đều được chọn lựa kỹ lưỡng để giữ đúng hương vị nguyên bản. Tùy vào độ ngọt từng mẻ mật, đôi khi gia đình phải gia giảm thêm đường hoặc mạch nha nhằm đảm bảo độ dẻo, độ thơm và vị ngọt thanh đặc trưng của kẹo cu đơ truyền thống.

Bà Đặng Thị Hương chia sẻ, mỗi ngày cơ sở của gia đình bà sản xuất và tiêu thụ trung bình khoảng 3.000 chiếc kẹo, riêng dịp Tết, con số này tăng đáng kể để phục vụ nhu cầu biếu tặng.

keo.jpg
Kẹo cu đơ Thư – Viện: Thương hiệu lâu năm tại Hà Tĩnh

Có thể nói, nhắc đến Hà Tĩnh là không thể không nhắc đến kẹo cu đơ, món đặc sản mộc mạc nhưng đầy bản sắc của vùng đất này. Kẹo cu đơ mang dáng vẻ bên ngoài sần sùi, chất phác, cái tên nghe gần gũi, dân dã nhưng ẩn chứa bên trong là sự hòa quyện tinh tế của vị ngọt, cay, bùi, dẻo… như chính tâm hồn người Hà Tĩnh: chân chất mà sâu sắc, bền bỉ mà giàu tình cảm. Có lẽ cũng bởi vậy mà người dân nơi đây thường bảo nhau: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh!” – nhớ cái vị kẹo cu đơ giòn tan xen lẫn mùi gừng nồng ấm.

Hiện nay, riêng tại địa bàn TP Hà Tĩnh, ngoài thương hiệu lâu đời ông bà Thư – Viện, còn có hơn 100 hộ gia đình chuyên sản xuất kẹo cu đơ thủ công. Mỗi chiếc kẹo có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng, tùy theo kích cỡ và chất lượng nguyên liệu – một món quà quê giản dị nhưng chất chứa bao kỷ niệm và tình cảm xứ Nghệ.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán