Một quốc gia châu Phi tăng mạnh xuất khẩu dầu thô đến Việt Nam: Nhập khẩu tăng trưởng 3 chữ số, giá giảm gần 20%

19/05/2025 - 16:01
(Bankviet.com) Đây cũng là quốc gia có trữ lượng dầu đứng Top trên thế giới.
Thị trường

Một quốc gia châu Phi tăng mạnh xuất khẩu dầu thô đến Việt Nam: Nhập khẩu tăng trưởng 3 chữ số, giá giảm gần 20%

Hoàng Anh 19/05/2025 14:16

Đây cũng là quốc gia có trữ lượng dầu đứng Top trên thế giới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,2 triệu tấn dầu thô với trị giá hơn 698 triệu USD, tăng 2,4% về lượng nhưng giảm 6,9% về trị giá so với tháng trước đó.

Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu hơn 4,9 triệu tấn dầu thô, kim ngạch đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường, Việt Nam nhập khẩu dầu thô từ 3 thị trường chủ đạo tính từ đầu năm đến nay. Đứng đầu là Kuwait với gần 4 triệu tấn dầu thô, trị giá hơn 2,2 tỷ USD, giảm 2,5% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tương ứng mức giảm 5%.

Đứng thứ 2 là Nigeria, đồng thời là thị trường đang chứng kiến lượng nhập khẩu tăng vọt. Cụ thể, quốc gia châu Phi xuất sang Việt Nam hơn 268 nghìn tấn dầu thô, trị giá hơn 156 triệu USD, tăng mạnh 112% về lượng và tăng 76% về trị giá. Giá bình quân giảm gần 20%, dạt 584 USD/tấn.

b3.png

Nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 3 của Việt Nam là Brunei với hơn 86 nghìn tấn dầu thô kể từ đầu năm, trị giá gần 50 triệu USD, tăng 5% về lượng nhưng giảm 10% về trị giá. Giá giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 580 USD/tấn.

Châu Phi có khoảng 125,3 tỷ thùng trữ lượng dầu đã được chứng minh. Trong đó Nigeria có trữ lượng dầu đã được chứng minh là khoảng 37 tỷ thùng, chiếm 3,1% tổng trữ lượng của thế giới. Là thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nigeria nằm trong top 15 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất dầu thô.

Tuy là nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi nhưng Nigeria phải nhập khẩu gần như toàn bộ nhu cầu nhiên liệu của mình do nhiều nhà máy lọc dầu của nước này đã xuống cấp trong nhiều năm và hiện không còn hoạt động. Cơ quan quản lý thuế Liên bang (FIRS), cơ quan công quyền chịu trách nhiệm quản lý, thu thuế thu nhập liên bang và các khoản thu bắt buộc khác cho biết, mặc dù là quốc gia đứng đầu Châu phi về khai thác dầu thô, với mức khai thác ổn định trung bình 1,64 triệu thùng/ngày tính đến năm 2024, nhưng Nigeria lại đứng thứ hai trên toàn thế giới (chỉ sau Mỹ) về chi phí khai thác dầu thô, các chi phí này bao gồm chi phí đầu tư đến các chi phí liên quan khác.

Theo số liệu của FIRS, chi phí để khai thác dầu thô ở Nigeria trung bình là 48,71 USD/thùng. Trong khi đó, để khai thác cùng một thùng dầu thô này, Saudi Arabia chỉ mất khoảng 2 đến 8 USD và 10 đến 15 USD ở Iran. Vì vậy, về cơ bản nhà đầu tư sẽ hứng thú hơn với việc đầu tư vào ngành dầu mỏ ở các quốc gia trên thay vì Nigeria. Đây cũng là một lời giải thích cho tình trạng suy giảm đầu tư vào ngành dầu mỏ của nước này, ngoài các vấn đề khác như nạn trộm cắp dầu thô thường xuyên xảy ra.

Trong khi đó, Nigeria đang tìm kiếm các nhà đầu tư dầu mỏ khi nước này hướng đến mục tiêu tăng sản lượng đáng kể. Lagos đã nhận được một số tin tốt về mặt này vào đầu năm nay, khi Exxon tuyên bố sẽ chi 1,5 tỷ USD cho hoạt động khai thác dầu khí nước sâu tại nhà sản xuất Tây Phi này.

Đối với Việt Nam, hàng năm nước ta chi một lượng lớn ngoại tệ lớn để nhập khẩu nhóm hàng nguyên nhiên liệu (bao gồm than các loại, dầu thô, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng) để phục vụ sản xuất và tiêu dùng, phát triển kinh tế.

Bộ Công thương tính toán, đối với xăng dầu riêng trong năm 2025, Bộ cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng tối thiểu tổng cộng gần 29,5 triệu m3/tấn các loại.

Với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5% theo Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, sản lượng tiêu thụ xăng dầu dự kiến tăng trên 8% so với số thực hiện năm 2024.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán